Đã hơn một tháng qua, kể từ khi Doanh nghiệp Thanh Phón bị vỡ nợ, liên tiếp nhiều tin đồn được đưa ra về nguy cơ vỡ nợ tiếp theo của nhiều doanh nghiệp khác, trong đó, có cả những doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín trong sản xuất kinh doanh.
Kể từ ngày 21/10, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay - Ảnh: KIM LONG |
Tin “thông tấn xã vỉa hè” lan khắp nơi: “Doanh nghiệp A, đã bị ngân hàng dừng cho vay, mất khả năng trả nợ hàng chục tỉ đồng”; “Doanh nghiệp B, ông chủ sắp bị bắt”…; đã tạo nên một không khí bất an, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, do chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, bỗng trở nên mong manh trong sóng gió thị trường, không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay: Hiện cả nước có trên 350.000 doanh nghiệp, thì có tới 20% số doanh nghiệp đã bị phá sản hoặc sắp phá sản, 60% doanh nghiệp sản xuất đình trệ kinh doanh sụt giảm, chỉ còn 20% doanh nghiệp là hoạt động tốt. Chưa thấy con số phản ánh thực trạng tương tự ở Phú Yên, song chắc chắn tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn không thể nhỏ hơn.
Hiện tại, trong bối cảnh lạm phát đang có chiều hướng giảm, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn rất lớn. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại vẫn phổ biến ở mức 19,12%- 20%/năm, lãi suất trung dài hạn ở mức 19,7%- 20,3%/năm. Với mức lãi suất này, theo các doanh nghiệp, rất khó kinh doanh có lãi. Theo TS Cao Sỹ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lãi suất cho vay phải giảm xuống mức 15%/năm thì doanh nghiệp mới chịu đựng được.
Ở tầm quốc gia, cùng với việc giảm lãi suất cho vay, các giải pháp khác nhằm cứu doanh nghiệp đang được tính tới là: giãn, hoãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế với các doanh nghiệp, lập quỹ tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song ở Phú Yên việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp còn hết sức hạn chế, bởi cho đến nay, tỉnh ta vẫn chưa có Hội Doanh nhân, nên không có ai đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phối hợp với các ngành chức năng để giúp các doanh nghiệp trong cơn bĩ cực. Không có tổ chức đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp, nên không thể lập quỹ tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp và tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức phi chính phủ.
Các doanh nghiệp ở Phú Yên vẫn còn trong giai đoạn gian nan. Thế nên, những tin đồn vỡ nợ thất thiệt có thể gây ra tai hại khôn lường, mà trước hết là làm mất uy tín doanh nghiệp, mất sự tin cậy của các đối tác. Không loại trừ khả năng các tin đồn đó được phát đi từ các đối thủ cạnh tranh, từ chính nội bộ của các doanh nghiệp; hoặc từ các ngân hàng, các đơn vị cho thuê tài chính nhân lúc doanh nghiệp khó khăn gây sức ép, “bắt chẹt”. Vì vậy, đây là những hành vi không lành mạnh cần được loại trừ, và mọi người cần hết sức cảnh giác, không vì hiếu kỳ mà vô tình tiếp tay cho các thông tin tai hại đó.
Các doanh nghiệp Phú Yên là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương, hàng năm huy động hơn 30% vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm cho gần 3 vạn lao động và đóng góp gần 50% ngân sách, hiện rất cần sự trợ giúp của các ngành chức năng và cả cộng đồng để vượt qua sóng gió.
HUỲNH HIẾU