Thứ Ba, 01/10/2024 02:32 SA
Môi trường nhìn từ đô thị
Thứ Năm, 23/10/2008 16:00 CH

Môi trường đô thị là hệ sinh thái môi trường đặc thù. Nó khác với các hệ sinh thái tự nhiên khác, trong đó sự phát triển, ổn định và bền vững là do con người và hoạt động của họ quyết định. Tính đặc thù biểu hiện ở sự tập trung đông dân cư với nền sản xuất công nghiệp - dịch vụ phát triển, đi đôi với những biểu hiện sâu sắc bởi những tác động của con người đến hệ sinh thái môi trường bên trong cũng như ở bên ngoài đô thị.

 

do-thi-081023.jpg

Những mảng xanh của môi trường cùng cảnh quan kiến trúc đô thị làm cho TP Tuy Hòa đẹp hơn - Ảnh: HOÀI TRUNG

 

 

ĐỪNG BIẾN NGÔI NHÀ THÀNH “BẪY NHIỆT”

 

Nhà có tường vách, có cửa sổ với ô văng che mưa chắn nắng; có lớp cách ly bao quanh để lớp phòng bên trong đủ mát, đủ ẩm; có lớp trát vữa xốp để khi nói nghe được êm tai; mái hiên đưa ra như vành nón; nhà ống trong phố hẹp thì có sân trong để thông hút gió… Gần đây, cậy vào sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và công nghệ, người ta đã có lúc lãng quên tiêu chí nguyên thủy về môi trường và vật ký kiến trúc xây dựng, làm nhà như cái hộp lập phương bằng kính với lập luận rằng cho nhẹ kết cấu, nhẹ nền móng, lại có dáng vẻ hợp với thẩm mỹ hiện đại. Việt Nam là xứ nhiệt đới. Làm nhà kiểu đó, vào trong  mới thấy đó là cái “bẫy nhiệt”. Nó cho nhiệt vào nhưng không cho nhiệt ra, để rồi nóng quá thì lắp máy lạnh công suất lớn, góp phần vào quá trình mất ổn định an ninh năng lượng và những vấn đề khác liên quan đến bức xạ nhiệt, tầng ôzôn.

 

Ở TP Tuy Hòa có không ít ngôi nhà mà chủ nhân không thân thiện với môi trường thiên nhiên nên mặt tiền của nhà được bịt kín bưng bởi kính. Điều tồi tệ có thể xảy ra một khi liên kết không còn đảm bảo, một cơn gió nhẹ thổi qua, kính rơi va phải ai đó…

 

HÃY TRỒNG CỎ

 

Cỏ tiếp nhận bức xạ mặt trời, không truyền nóng cho không khí mà dùng năng lượng đó để thực hiện quá trình diệp lục hóa. Nơi nào có nhiều cỏ thì nơi đó không khí dịu mát, có hơi ẩm, ít cacbonic, nhiều oxy… Quảng trường 1 Tháng 4, nếu một ngày nào đó không còn cỏ và cây thì sẽ rất nóng.

 

Cỏ giữ lại một phần nước mưa ngấm xuống đất, góp phần đảm bảo độ ẩm chung của nền đất thành phố, làm chậm quá trình suy giảm mực nước ngầm.

 

Cỏ là “máy” lọc bụi. Cũng như lá cây, cỏ giữ bụi lại, đến khi mưa thì lắng bụi xuống đất. Lạch nước nào có nhiều cỏ thì bao giờ nước cũng trong veo, đó là nhờ những lông tơ trên lá cỏ có khả năng giữ được cát bụi trong không khí.

 

Bề mặt của thảm cỏ không phản xạ ánh sáng chói chang vào nhà. Nếu trước nhà có một thảm cỏ thì ánh sáng trước cửa sẽ dịu dàng hơn là trước nhà có một sân xi măng, lát gạch và dường như tạo cho chúng ta cảm giác nền mặt sân rộng hơn.

 

Rõ ràng, cỏ làm cho không khí mát mẻ, trong lành, là yếu tố thẩm mỹ quan trọng. Vì vậy, chúng ta hãy trồng cỏ. Ngay cả đối với nền của bãi đỗ xe, nếu thay cho việc đổ bê tông rải nhựa lu lèn bằng việc lát gạch bê tông mắt cáo rồi chèn cỏ trồng vào thì hay biết bao.

 

Tất nhiên, việc trồng cỏ phải đi đôi với công tác bảo dưỡng, cắt xén thông qua những giải pháp phù hợp đối với từng công trình cụ thể. Chúng ta không nên lãng phí những không gian có thể trồng được cỏ.

 

SINH VẬT CẢNH VÀ KIẾN TRÚC PHONG CẢNH

 

Phong trào sinh vật cảnh đang rộ lên. Về bản chất sản phẩm của sinh vật cảnh (cây cảnh, giả sơn, non bộ, chim lồng, cá nước…) là những thành tố tham gia điều tiết vi mô về môi trường của đô thị, kể cả tự nhiên và xã hội.

 

Trong nhịp sống hiện đại, mấy ai có thời gian ngao du nơi núi cao, biển rộng, non ngàn. Thế nên, ta đem một ít màu xanh về nhà, đặt một bể cạn có hòn đá giả sơn, trên đó gắn ngôi chùa lưng chừng núi, chú tiều hái củi, con trâu gặm cỏ, cụ già ngồi câu cá; dưới nước cá lội tung tăng, bên trên treo mấy lồng chim để sáng sớm hót nhẹ nhàng đánh thức chủ nhân; quanh sân đặt mấy cây cảnh, chậu hoa… Sinh vật cảnh là thế, đưa thiên nhiên về gần gũi chúng ta, tạo ra môi trường trong lành, giúp cho đầu óc thư thái.

 

Nhưng, gần đây nhiều căn hộ gia đình và cả công sở ở TP Tuy Hòa đã lẫn lộn giữa “kiến trúc phong cảnh” với “sinh vật cảnh”. Không ít chủ nhân triển khai “dự án” trước sân của công trình với mấy lối nhỏ vòng vèo, cây cầu mini bắc qua rãnh nước, non bộ được đập lấy ra từ hang núi đá vôi nào đó, cây cảnh tạo hình thú còn có cả ông lân hay sư tử bằng đá đặt trước sảnh. Có những chi tiết làm mất sự hài hòa cân đối cần thiết của không gian quanh công trình, làm giảm sự trang nghiêm của công sở, thậm chí còn đánh mất chủ thể của công trình. Người ta đến là đến với công trình, đến với công việc… chứ không phải đến để ngắm cảnh.

 

Kiến trúc phong cảnh theo nghĩa hẹp là tạo không gian xung quanh công trình hài hòa, phụ họa với kiến trúc công trình; kiến trúc công trình phải hài hòa với thiên nhiên, như đứa con do cảnh quan đẻ ra, thiên nhiên như tấm thảm nhung để đặt công trình kiến trúc lên. Và sinh vật cảnh là nghệ thuật để xây dựng nên tấm thảm nhung thiên nhiên ngoại thất nhân tạo đó.

 

ThS. NGUYỄN ĐÌNH PHONG

  Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek