Thứ Năm, 28/11/2024 20:44 CH
Khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tháo gỡ
Thứ Ba, 14/10/2008 07:35 SA

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại về thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam.

 

xo-dua-081014.jpg

Sản xuất thảm xơ dừa tại một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở huyện Sông Cầu  - Ảnh: B.HÀ

 

KHÓ KHĂN LỚN NHẤT: VỐN

 

Tổng hợp các ý kiến về SMEs từ các bộ, ngành cho thấy, khó khăn lớn nhất của SMEs hiện nay là khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, đáp ứng tín dụng. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 73% doanh nghiệp (DN) được hỏi cho rằng đây chính là khó khăn lớn nhất, đặc biệt là tình trạng mặt bằng lãi suất đang ở mức quá cao, xấp xỉ 21%. Trong khi đó, ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính của SMEs, chiếm tới 74,47%.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tính đến tháng 8/2008, doanh số cho vay của 70/82 ngân hàng thương mại cả nước đạt 299.000 tỉ đồng, chiếm 27,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng 16,65% so với thời điểm cuối năm 2007. Tỉ lệ nợ xấu cho vay của toàn hệ thống là 3,63%, tăng 1% so với năm 2007. Tổng số DN đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng là 163.673 DN, trong đó SMEs chiếm trên 50%.

 

Theo đại diện các ngân hàng thương mại lớn như Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương, Đầu tư - Phát triển… 7 tháng kinh doanh đầu năm của SMEs xét trên tiêu chí kết quả kinh doanh, trả nợ đúng hạn của ngành Ngân hàng thì 23% DN kinh doanh có hiệu quả, 73,2% DN hoạt động trung bình và 3,8% DN gặp khó khăn, trong đó 1,42% DN có khả năng mất vốn.

 

Những đại diện từ ngành Ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn lớn mà SMEs gặp phải khi tiếp cận với các tổ chức tín dụng như: mặt bằng lãi suất cho vay quá cao, cộng với các hạn chế về nguồn lực, thiếu tài sản thế chấp nên các ngân hàng phải hạn chế tín dụng, tăng dự trữ bắt buộc, hạn chế cho vay. Những khó khăn này đã khiến một bộ phận DN không chống đỡ được tác động từ sự biến động của nền kinh tế quốc tế và trong nước nên buộc phải thu hẹp sản xuất và giảm dần dư nợ. Doanh thu giảm trong khi chi phí sản xuất và lãi suất vay vốn tăng cao, nhiều SME đã không trả được nợ đúng hạn, dẫn đến phát sinh nợ quá hạn.

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội SMEs Lý Đình Sơn cũng cho rằng, chính sách tín dụng hiện gây nhiều khó khăn cho nhiều đối tượng, nhưng SMEs chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Trong khi đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương lại không phát huy được vai trò, do tiềm lực cũng như cơ chế hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, SMEs còn gặp khó khăn trong các vấn đề như: đất đai, công nghệ, chính sách xuất khẩu, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, khả năng kết nối với các DN lớn…

 

NGHIÊN CỨU CƠ CHẾ HỖ TRỢ

 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, Chính phủ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs, đang phải chịu tác động, ảnh hưởng bởi chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Phó Thủ tướng phân tích, từ đầu năm đến nay có 2 giai đoạn khó khăn: Trước tháng 6 là những khó khăn rất lớn về cả tín dụng, thị trường, giá đầu vào sản xuất,… Sau tháng 6, với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các cán cân vĩ mô dần ổn định và DN đã có được những cơ hội tốt hơn. “Trước mắt, trong quý IV/2008 và đầu năm 2009, kinh tế thế giới sẽ còn những diễn biến khó lường, dự báo còn nhiều thách thức, đồng thời trong nước cũng là thời kỳ nhiều khoản tín dụng đáo hạn. Vì vậy, đây là lúc Nhà nước, các bộ, ngành nhanh chóng xây dựng và thực hiện những biện pháp, cơ chế cụ thể, trực tiếp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo vị thế cạnh tranh trong nền kinh tế” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bám sát những thực trạng khó khăn, vướng mắc mà SMEs gặp phải, trong đó, cần ưu tiên tháo gỡ, hỗ trợ DN về tín dụng và nguồn nhân lực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các hình thức hỗ trợ về vốn đối với SMEs, chú trọng các DN hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều cho NSNN và xuất khẩu. Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu cơ chế hỗ trợ SMEs phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động của các NHTM. Các Bộ liên quan tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc về thủ tục hải quan, thuế, vấn đề đất đai, sổ đỏ thế chấp, vấn đề thông tin, xúc tiến thương mại…

 

(chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek