Thứ Năm, 28/11/2024 18:32 CH
Hiệu quả của liên kết “bốn nhà”
Thứ Ba, 14/10/2008 14:30 CH

Mô hình liên kết “bốn nhà” sản xuất lúa đầu tiên tại Phú Yên đã thành công trên nhiều phương diện. Nông dân tham gia mô hình này thu được hiệu quả kinh tế cao, học được biện pháp canh tác hợp lý gắn trách nhiệm đối với cộng đồng. Dự kiến, mô hình này sẽ được mở rộng tại Phú Yên.

 

YEN-081014.jpg
Bà Phan Thị Yến vui mừng bên ruộng lúa lần đầu tiên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, hơn 8,4 tấn/ha - Ảnh: L.KHA

 

HIỆU QUẢ CAO

 

Bà Phan Thị Yến, xã viên HTX Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), hồ hởi cho biết: “Bao năm làm ruộng, tôi chưa bao giờ thấy lúa đạt sản lượng cao như vụ này”. Bà Yến còn thổ lộ, vụ hè thu 2008 vừa rồi, lần đầu tiên bà sản xuất lúa mà không cần phun bất cứ loại thuốc trừ sâu nào.

 

Bà Yến là một trong những hộ tham gia mô hình liên kết “bốn nhà” sản xuất lúa do Viện Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, Chi nhánh Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tại Phú Yên và HTX Hòa Thắng 2 phối hợp thực hiện trên diện tích 10 ha. Đây là mô hình liên kết “bốn nhà” đầu tiên được thực hiện tại Phú Yên, cũng là đầu tiên ở khu vực miền Trung. Điều kiện để các tổ chức chọn Phú Yên làm điểm mô hình này tại miền Trung là cánh đồng lúa tập trung và điều kiện canh tác thuận lợi. Đây là mô hình được thực hiện tương tự chương trình “Cùng nhà nông ra đồng” đã được thực hiện nhiều năm qua trên hơn 300 vùng lúa tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ở khu vực miền Bắc, mô hình này cũng đã được triển khai 10 điểm tại tỉnh Hải Dương. Tổ chức thực hiện có chính quyền huyện, xã và HTX; chịu trách nhiệm kỹ thuật cùng nông dân sản xuất là các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên; khi cần xử lý sâu bệnh gây hại, nông dân sẽ được tài trợ toàn bộ từ Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.

 

Theo thống kê của HTX Hòa Thắng 2, mô hình này cho năng suất lúa bình quân lên tới 8,4 tấn/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với sản xuất theo truyền thống. Tuy nhiên, lợi ích của mô hình này còn đến từ rất nhiều vấn đề khác như nguồn đầu tư giảm, bảo vệ môi trường canh tác tương đối bền vững… Anh Nguyễn Văn Đức, một trong những nông dân tham gia mô hình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất lúa cho biết: “Sản xuất lúa theo mô hình này mang lại nhiều hiệu quả. Bên cạnh chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều thấp hơn trước đây rất nhiều, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường, gắn kết chặt chẽ với môi trường canh tác xung quanh, nông dân có thể nâng cao trình độ canh tác”. Theo anh Đức, tham gia mô hình liên kết “bốn nhà”, lần đầu tiên anh sạ 6kg lúa giống/sào, bón phân đơn theo nhu cầu của lúa và cũng không phải phun thuốc trừ sâu như trước đây, nhưng lúa vẫn đạt năng suất gần 9 tấn/ha. Anh Đức nói: “Mỗi bông lúa đều có trên 250 hạt, tỉ lệ hạt lép rất thấp. Đây là lần đầu tiên tôi làm lúa đạt được hiệu quả cao toàn diện như vậy”.

 

LUA-4-N-081014.jpg
Tham quan mô hình sản xuất lúa hiệu quả – Ảnh: L.KHA

 

CÙNG NHÀ NÔNG RA ĐỒNG

 

Thạc sĩ Đàm Hữu Trác, cán bộ Viện Bảo vệ thực vật là một trong những người cùng ra đồng với nông dân HTX Hòa Thắng 2 xuyên suốt mùa vụ vừa qua để vừa cùng nông dân canh tác lúa, vừa nghiên cứu quy trình sâu bệnh gây hại trong vùng. Hằng ngày, thạc sĩ Trác cùng cộng sự luôn có mặt trên đồng ruộng và giải đáp ngay các thắc mắc của nông dân. Anh cho biết, so với nhiều vùng trồng lúa khác, điều kiện canh tác ở đây rất tốt, sâu bệnh gây hại ít và việc các tổ chức, cơ quan và nông dân cùng phối hợp nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân trên đồng ruộng cũng góp phần giải quyết vấn đề “tam nông” hiện nay. Mô hình này nếu được triển khai trên diện rộng thì lợi ích mang lại sẽ rất lớn.    

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Như Thức cho rằng, mô hình cùng nông dân ra đồng này của các đơn vị đã được thực hiện có hiệu quả lớn. Ngoài lợi ích thiết thực từ hiệu quả sản xuất, cả nông dân và các tổ chức còn gắn kết vì môi trường sản xuất bền vững và trách nhiệm với cộng đồng.

 

Cùng với những chương trình nâng cao khả năng và hiệu quả canh tác lúa cho nông dân trước đây, chương trình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất lúa tiếp tục giúp nông dân chủ động và đạt lợi nhuận cao trong sản xuất lúa. Dự kiến trong vụ đông xuân 2008-2009, mô hình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất lúa sẽ được thực hiện trên diện tích 20 ha. Thạc sĩ Đàm Hữu Trách cho biết, nhóm công tác của Viện Bảo vệ thực vật sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân Phú Yên trong 3 năm. Ngoài việc liên kết cùng nông dân làm lúa, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra một kết quả về quy luật phát triển sâu bệnh hại và quản lý sinh trưởng, sinh thái cây trồng ở Phú Yên.

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek