Thứ Ba, 01/10/2024 20:28 CH
Trách nhiệm xã hội - lợi ích của doanh nghiệp
Thứ Hai, 13/10/2008 10:36 SA

Sự kiện tập đoàn Tam Lộc (Sanlu- Trung Quốc) sản xuất sữa có chứa chất melamine gây sỏi thận cho trẻ em đã làm chấn động dư luận thế giới. Gần 13.000 trẻ em dưới 2 tuổi trong số 53.000 trẻ em bị nhiễm sạn thận phải nhập viện và một số cháu đã bị chết. Người tiêu dùng Trung Quốc hốt hoảng, hàng trăm ngàn hộ gia đình đã ngừng sử dụng sản phẩm sữa của Tam Lộc chuyển sang mua sản phẩm của hãng khác. Nhiều quan chức Trung Quốc có liên quan bị bắt giữ. Các nước đã lập tức ngừng nhập khẩu sữa Trung Quốc, đồng thời kiểm tra lại hoạt động sản xuất kinh doanh sữa trên phạm vi quốc gia mình. Vì xem nhẹ trách nhiệm xã hội, buông lỏng việc quản lý quy trình sản xuất mà hãng sữa này đã để lại hậu quả xấu cho người tiêu dùng. Thương hiệu Tam Lộc coi như bị khai tử, không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn ở cả thị trường toàn cầu.

 

Cũng tương tự, việc nhà máy Vedan xả chất thải không qua xử lý kéo dài suốt 14 năm qua đã “giết” chết dòng sông Thị Vải là hành vi vô trách nhiệm với xã hội. Theo các nhà khoa học để “cứu” sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay phải mất ít nhất 10 năm. Hành vi đó không chỉ bị dư luận lên án mà thương hiệu Vedan cũng bị một vết nhơ, bị người tiêu dùng xa lánh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty Vedan.

 

Gần đây, các ngành chức năng của nước ta còn phát hiện những hành vi gian lận trong việc sản xuất phân bón, kinh doanh xăng dầu. Bằng các thủ đoạn tinh vi, như gắn chíp điện tử các cây xăng đã ăn bớt khối lượng lên đến 10%. Đó là hành vi “ăn cắp” của khách hàng. “Buôn gian bán lận” từ lâu là vấn đề nhức nhối của xã hội, của nền kinh tế. Nhưng với những hành vi gian lận thương mại, vô trách nhiệm với xã hội như trên, doanh nghiệp sẽ bị xã hội lên án làm mất uy tín. Mà khi mất uy tín thì thương hiệu bị tổn thương và khó thu hút được khách hàng chung thủy với mình. Không được khách hàng ủng hộ, doanh số sẽ giảm và lợi nhuận sẽ giảm theo.

 

Vì lý do đó, trách nhiệm xã hội không nhất thiết phải điều khiển bằng chế tài, thay vào đó người ta ngày càng chú ý nhiều hơn tới những nhân tố khuyến khích doanh nghiệp đối xử có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm trong cải thiện quan hệ xã hội, môi trường và văn hoá ở doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hiện đại chỉ được xem là có trách nhiệm xã hội khi doanh nghiệp đó hoạt động phải đảm bảo không gây ra những tác hại đối với môi trường. Doanh nghiệp phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp đó phải biết quan tâm đến người lao động không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Bắt buộc người lao động làm việc đến kiệt sức hoặc không có giải pháp giúp họ tái tạo sức lao động là điều xa lạ với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Không những vậy, khi “ăn nên làm ra” doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, chia sẻ khó khăn với cộng đồng như một hình thức quảng bá thương hiệu. Do vậy, có thể thấy, có trách nhiệm với xã hội sẽ mang lại lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

 

MAI ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek