Thứ Hai, 30/09/2024 12:31 CH
Phát triển miền Trung - Cái cần là một lối tư duy
Thứ Bảy, 10/05/2008 08:30 SA

Là mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh cùng những khó khăn chất chồng, dẫu thế miền Trung vẫn vươn lên để thể hiện rõ bản lĩnh một vùng đất có nhiều lợi thế, tiềm năng...

 

080510-cau-hv.jpg

Cầu Hùng Vương đang được xây dựng, nối TP Tuy Hòa với khu kinh tế Nam Phú Yên - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Trong chiến tranh, miền Trung là mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát bởi những vành đai trắng, chất độc hóa học... Hòa bình lập lại, chiếc đòn gánh miền Trung nặng gánh hai đầu đất nước lại chịu biết bao trận bão lớn, lụt lội, hạn hán. Dẫu thế, miền Trung vẫn vươn lên để thể hiện rõ bản lĩnh một vùng đất có nhiều lợi thế, tiềm năng... Nhưng để phát triển thì vẫn cần nhiều thay đổi, mà cơ bản nhất là một lối tư duy kinh tế...

 

CÔ GÁI ĐẸP...

 

Miền Trung giàu tiềm lực ai cũng công nhận. Tiềm lực đó không ẩn nấp, tiềm tàng mà lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật. Đó là bờ biển dài 1400km với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, với nhiều nơi có thể xây dựng cảng nước sâu; đó là nguồn thủy sản dồi dào một năm có thể đánh bắt 400.000 tấn. Miền Trung nằm dọc quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, là trục chính của con đường xuyên Á và điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây... Miền Trung có cả miền núi với tài nguyên rừng phong phú; cả đồng bằng với nhiều vùng đất màu mỡ và có tới 4 di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới.

 

Đó là chưa kể mảnh đất này có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, chịu khó... Chính tiềm năng này đã thu hút nhiều nhà đầu từ trong và ngoài nước. Đến nay, miền Trung có đến 9 khu kinh tế, 22 khu công nghiệp đã được xây dựng như Chân Mây (Thừa Thiên Huế); Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa)... Chỉ tính riêng trong năm 2007, khu vực này đã thu hút tới 140 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỉ USD và chiếm 28% tổng vốn cấp mới của cả nước bằng 19 năm trước đó cộng lại.

 

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư chọn mảnh đất này, nhưng ai cũng hy vọng sẽ “ăn nên làm ra” và giúp mảnh đất này giàu lên để xoá đi những thiệt hại mà chiến tranh đã để lại.

 

Sự vào cuộc của các nhà đầu tư tạo bộ mặt mới cho miền Trung. Ví như Phú Yên, từ một tỉnh nghèo giờ đã trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực và cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài năm 2007, trong đó có nhiều dự án lớn như nhà máy lọc dầu Vũng Rô; khu công nghiệp hóa dầu và tổ hợp hóa dầu; khu du lịch liên hợp cao cấp Nam Tuy Hòa... đã khiến các vùng nông thôn nơi đây vốn nghèo khó thành các khu đô thị mới. Hay như khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vốn là mảnh đất đầy bom đạn, giờ ngày đêm rộn ràng tiếng máy tạo hình hài của một khu kinh tế năng động, hiện đại. Còn Khánh Hòa tạo được việc làm cho hàng vạn lao động địa phương khi triển khai các dự án du lịch lớn như Vinpearl Land, hay khu sinh thái Đầm Môn... Đà Nẵng là thành phố thu hút đầu tư mạnh mẽ với hơn 52.500 tỉ đồng trong 10 năm qua. Nguồn vốn trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển và thay đổi cơ bản bộ mặt thành phố. Nhiều khu kinh tế mở ra tạo ra sản phẩm mới và việc làm cho hàng vạn người; nhiều công trình cao tầng, khu công nghệ, khu du lịch, giải trí được xây dựng...

 

080510-Ganh-Da-Dia-moi-23.jpg

Danh thắng quốc gia Gành Đá Dĩa cần được kết nối vào mạng lưới phát triển du lịch miền Trung  - Ảnh: M.NGUYỆT

 

CÁI DUYÊN ĐÃ CÓ MÀ CHƯA MẶN MÀ...

 

Thực ra hạt nhân cơ bản của liên kết kinh tế miền Trung phải là sự đoàn kết. Tiến sĩ Trương Đình Hiển, nghiên cứu viên cao cấp ở TP Hồ Chí Minh cho rằng có như vậy các tỉnh miền Trung mới chia sẻ được những cái giá mình đã phải trả do sự non kém về kinh nghiệm mời gọi đầu tư đem lại, sẽ giới thiệu cho nhau những dự án mà xét thấy nếu địa phương trong khu vực thực hiện sẽ hiệu quả hơn mình và ngay cả tài chính cũng có thể giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Miền Trung vẫn đang cần cái bắt tay thật chặt.

Dẫu là vậy, nhưng miền Trung nhiều năm qua vẫn chỉ là miền đất hứa, bởi nhiều nhà đầu tư đến, nhìn ngắm, nhưng lại tiếc rẻ ngậm ngùi ra đi để lại phía sau một mảnh đất miền Trung khát cháy. Có nhiều lý do khiến miền Trung trở thành cô gái đẹp mà chưa biết cách làm duyên. Đó không chỉ là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao... mà cơ bản nhất ở miền Trung vẫn là tư duy cát cứ. Chính điều này khiến miền Trung có nhiều cái thừa mà vẫn thiếu.

 

Ví dụ tỉnh nào cũng có sân bay, nhưng lại không có sân bay lớn có thể thực hiện các đường bay trực tiếp nước ngoài, tỉnh nào cũng có ít nhất 1 trường đại học nhưng lại không có một đại học vùng đủ tầm cỡ... Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế của Chính phủ, đưa ra một ví dụ về việc phát triển ồ ạt các cảng biển để nhấn mạnh cần sự tăng cường liên kết: “Bờ biển miền Trung dài, nhưng lại chia cắt theo từng tỉnh nên thành ra manh mún vì vậy cần có sự liên kết với nhau. Không thể mỗi tỉnh 1, thậm chí là 2-3 cảng biển như hiện nay được, mà cả khu vực cần 1-2 cảng lớn để giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng cho vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá cho các tàu cho công suất lớn”. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư ở các địa phương miền Trung còn “mạnh ai lấy làm” mà chưa tạo ra một cơ chế chung cho toàn vùng. Công tác kêu gọi đầu tư còn chồng chéo, tỉnh nào cũng làm du lịch, mở khu công nghiệp, khu kinh tế với những hình thức tương tự nhau, không tạo ra sắc thái riêng, lợi thế riêng của mình.

 

HÃY TỰ TẠO RA SỨC HÚT

 

Có ý kiến cho rằng, để thu hút đầu tư, các địa phương miền Trung phải ngồi lại với nhau tìm hướng đi chung là cần thiết. Ông Dương Anh Tuấn, Phó trưởng ban các khu công nghiệp Quảng Ngãi, đưa ra một ví dụ: Hiện khu kinh tế Dung Quất có khoảng 5.000 chuyên gia nước ngoài và hàng chục nghìn công nhân làm việc, nhưng dịch vụ tiện ích cho chuyên gia ở Quảng Ngãi hầu như chưa có gì. Hai địa phương gần nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng lại không chuyên tâm vào chuyện đó...

 

Để giải quyết nghịch lý này các địa phương nên phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Ví dụ Quảng Ngãi nên tập trung vào phát triển công nghiệp hóa dầu; Quảng Nam lo về dịch vụ, du lịch còn Đà Nẵng nên quan tâm trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng, địa ốc và thương mại dịch vụ. Xa hơn nữa, Huế có thể trở thành trung tâm du lịch văn hóa... Sự phát triển hài hòa đó sẽ tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư, tránh tình trạng chuyên gia làm việc cả tuần ở Quảng Ngãi đến cuối tuần phải tốn cả mớ tiền để đi Thái Lan hay Singapore tìm chốn nghỉ ngơi, mặc dù ở ngay sát họ không thiếu những nơi có cảnh đẹp và điều kiện tự nhiên tốt hơn thế. Một ví dụ khác, miền Trung đang cần một con đường kinh tế ven biển để kết nối những điểm du lịch nổi tiếng Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi.                  

 

ĐỒNG MẠNH HÙNG – THÀNH LONG - (VOV)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek