Ngày 8/5, Cục quản lý Dược Việt Nam khẳng định tiếp tục tạm dừng việc xem xét điều chỉnh tăng giá thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc đến hết 30/6.
Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam, cho biết Cục đã có văn bản trả lời chưa chấp nhận đề nghị tăng giá của 16 văn phòng đại diện công ty dược phẩm đa quốc gia, công ty nhập khẩu thuốc. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, đã chỉ đạo các sở y tế tạm dừng xem xét việc điều chỉnh tăng giá thuốc cho đến sau ngày 30/6 của các cơ sở sản xuất thuốc; tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc tại địa bàn.
Thời gian qua, tình hình cung cầu thị trường dược phẩm tương đối ổn định, giá thuốc có tăng nhưng không quá bất hợp lý; đáp ứng đủ thuốc và đạt chất lượng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, giá nguyên liệu sản xuất các thuốc chiếm tỷ trong cao trên thị trường thế giới tăng giá mạnh, đặc biệt nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh nhập khẩu từ Ấn Độ, với các thuốc như Ampicilin compacted tăng 14,38%; Amoxicillin tăng 11,84%; Cephalexin tăng 15,54%; Sulfamethoxazol tăng 1,67%.
Giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc bổ, thuốc giảm đau, chống viêm có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng nhẹ so với cuối tháng 3 năm 2008 như Vitamin B1, tăng 2,4%; Vitamin B6, tăng 1,11%; Vitamin C, tăng 1,34%; Paracetamol, tăng 7,83% Betamethasone base, tăng 1,3%; Dexamethasone acetate micronized, tăng 9,4%.
Theo TTXVN