Ngày 8/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam 2007 và dự báo 2008.
Báo cáo khẳng định năm 2007 đã để lại cho Việt Nam những dấu ấn rất đáng ghi nhớ. Điều này được thể hiện ở mối quan hệ tương tác giữa cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế với tiến trình hội nhập, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã trở nên chặt chẽ hơn; vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam năm 2007 được nâng cao đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,5% - tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997 đến nay.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM, đây không phải là một con số ấn tượng vì tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2007 quá cao, tới 44%. Bên cạnh đó, sự sôi động của thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản ít chuyển sang nền kinh tế thực và khu vực này mới chỉ chiếm chưa tới 2% GDP năm 2007.
Báo cáo cũng nêu rõ, việc Việt Nam gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững. Điều này có thể thấy rõ qua sự thiếu hụt về kỹ năng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng yếu kém; lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 lên tới 12,6% - mức cao nhất kể từ năm 1997.
Theo CIEM, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2008, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu; thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết WTO cũng như "giải toả" các nút thắt cổ chai về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực.
Theo TTXVN