Thứ Tư, 27/11/2024 03:02 SA
Đường trầm hạ giá, người trồng mía lỗ
Thứ Hai, 05/05/2008 10:05 SA

Chưa năm nào đường trầm mất giá như năm nay, trong khi chi phí đầu tư cho cây mía như phân bón, công lao động... đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với đầu vụ. Thêm vào đó, lao động khan hiếm làm cho tiến độ thu hoạch chậm, trong khi mía quá chín nên năng suất thu hoạch giảm.

 

080505-ep-mia-2.jpg

Ép mía thủ công tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. - Ảnh: H.NAM

 

Nếu như năm ngoái, giá đường trầm ở mức 1-1,2 triệu đồng/phuy (loại 300kg), thì năm nay, giá đường trầm từ  đầu vụ đến cuối tháng 3 “đứng” ở mức 1,2 triệu đồng/phuy; đến tháng 4 xuống còn 1,1 triệu đồng/phuy. Trong khi đó công lao động tăng vùn vụt, từ 20.000 đồng/ngày (năm 2007) nay lên đến 50.000 đồng/ngày. Ông Hồ Văn Tùng ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) cho biết: “Với giá đường trầm như năm nay, dân trồng mía lỗ là cái chắc”.

 

Theo tính toán của nhiều người trồng mía, ép 3 tấn mía cây mới nấu được một phuy đường trầm. Bỏ qua khâu đốn mía, để ép và nấu được một phuy đường trầm thì phải đầu tư thêm 250.000 đồng (công ép và nấu đường). Cộng với chi phí phân bón, công chăm sóc thì người trồng mía lỗ từ 50.000-100.000 đồng/phuy đường trầm. Ông Trần Văn Hùng ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) nhìn 10 phuy đường trầm để trong lán trại, nói: “Vùng đất gò đồi của tôi lâu nay chuyên trồng cây mía. Năm ngoái, giá đường trầm như vậy tôi còn lấy công làm lời, riêng năm nay tôi phải chịu lỗ”.

 

Lâu nay, ở những nơi đất có độ dốc như vùng 13 xã An Nghiệp (huyện Tuy An), các thôn Hảo Danh, Hảo Nghĩa (xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu), thôn Kỳ Lộ xã Xuân Quang 1, thôn Triêm Đức xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân)… bà con nông dân trồng mía nuôi bò. Những nơi nằm ngoài vùng nguyên liệu của nhà máy đường, sau khi thu hoạch mía bà con ép bằng che thủ công. Năm ngoái giá đường trầm không cao lắm, bà con lấy công làm lời và lấy mầm mía nuôi bò. Nhưng năm nay thì người trồng mía bị lỗ. Bà con đang tính đến việc chuyển đổi cây trồng.

 

Thêm một khó khăn mà nông dân đang đối mặt là tình trạng khan hiếm công lao động ở nông thôn. Theo thống kê của UBND xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) và UBND xã Xuân Thọ 2 (Sông Cầu), tỉ lệ thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa chiếm từ 70 - 80%, vì thế công lao động ở các vùng quê đang khan hiếm. Chính điều này đã làm chậm tiến độ thu hoạch mía. Trong khi đó, người trồng mía không rải vụ vì muốn tận dụng tháng 3, tháng 4 trời nắng phơi bã mía để nấu đường, do vậy mía chín đều một lúc. Khan hiếm lao động dẫn đến thu hoạch chậm nên sản lượng thấp. Ông Trình Văn Chi, chủ trang trại mía ở vùng 13, xã An Nghiệp cho biết: “Gần nửa tháng nay tôi đi nhiều nơi tìm công lao động thu hoạch mía nhưng không có. Mía thì héo đọt, thật là nan giải!”.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek