Thứ Hai, 30/09/2024 02:27 SA
Nhiều vướng mắc trong miễn, giảm thủy lợi phí cho nông dân
Thứ Bảy, 03/05/2008 07:16 SA

Nghị định 154 của Chính phủ ban hành đã quy định miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này từ cấp bộ trở xuống đang còn nhiều điểm vướng mắc. Hôm qua (2/5), UBND tỉnh Phú Yên đã triển khai cuộc họp bàn về công tác thực hiện Nghị định 154 ở Phú Yên dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Thị Hà.

 

080503-kenh-muong.jpg

Theo Thông tư 26 của Bộ Tài chính, từ đầu tuyến kênh cấp 3, nông dân vẫn phải trả thủy lợi phí. Trong ảnh: Kiên cố hóa kênh mương ở huyện Phú Hòa – Ảnh: N. TRƯỞNG

 

NỘI DUNG THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CÒN BẤT CẬP

 

Nghị định 154 của Chính phủ quy định về mức miễn giảm thủy lợi phí, đối tượng trực tiếp hưởng lợi là nông dân. Để thực hiện nghị định này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26 hướng dẫn việc xác nhận diện tích đất được miễn và không được miễn thủy lợi phí, việc lập dự toán, cấp phát, thanh quyết toán khoản cấp bù thủy lợi phí được miễn; việc hỗ trợ tài chính để thực hiện xử lý xóa nợ đọng thủy lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Theo đó, đối tượng được miễn thủy lợi phí là phần diện tích đất được sử dụng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, làm muối thuộc công trình thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đến đầu tuyến kênh của tổ hợp tác dùng nước quản lý.

 

Khi có thông tin miễn giảm thủy lợi phí, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, Thông tư 26 quy định chỉ miễn đối với từ hệ thống đầu mối đến đầu tuyến kênh do tổ hợp tác sử dụng nước quản lý và thuộc hệ thống công trình được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Tại Phú Yên, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý từ đập đầu mối đến tuyến kênh cấp 2. Như vậy, diện tích được tưới, tiêu từ tuyến kênh cấp 3 nội đồng cùng hàng loạt công trình được đầu tư từ nguồn vốn huy động của dân vẫn phải trả thủy lợi phí. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà nêu vấn đề: Nội dung này không có trong Nghị định 154 của Chính phủ, nhưng lại được Bộ Tài chính ban hành trong thông tư nên gây khó khăn trong việc thực hiện.

 

Chưa hết, Thông tư 26 còn quy định một trong hai đối tượng, phạm vi được miễn thủy lợi phí là “diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì được miễn toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; không phân biệt trong hay ngoài hạn điền”. Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Hà Ngọ cho biết: Nếu áp dụng các quy định này, thì TP Tuy Hòa không nằm trong diện được miễn thủy lợi phí đối với phần ruộng ngoài hạn điền.

 

NHIỀU NÔNG DÂN VẪN PHẢI ĐÓNG THỦY LỢI PHÍ

 

Năm 2005, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định 22/QĐ-UB ngày 10/1/2005 quy định mức thu đối với thủy lợi phí cho các vùng được tưới bằng các loại hình nước tự chảy, trạm bơm điện hoặc dầu. Theo đó, diện tích tưới tiêu bằng trọng lực (tự chảy) đối với các vụ đông xuân, hè thu là 450.000 đồng/ha/vụ, vụ mùa là 300.000 đồng/ha/vụ; tưới bằng động lực (bơm) là 600.000 đồng/ha/vụ cho diện tích tưới không tạo nguồn và 650.000 đồng/ha/vụ có tạo nguồn đối với vụ đông xuân, 400.000 đồng/ha/vụ đối với lúa vụ mùa.

 

Tuy nhiên, thực tế thu tại các huyện đều vượt cao hơn nhiều so với hạn mức quy định vì điều kiện khó khăn, diện tích manh mún, chi phí quản lý, vận hành cao. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa Đào Duy Linh, nói: Sơn Hòa có 32 công trình thủy lợi, diện tích đất trong phạm vi các công trình này có số thu rất lớn, không theo Quyết định 22 của UBND tỉnh. Trong đó có 12 công trình được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhưng khi bàn giao lại cho các HTX đã không đảm đương nổi, nên phải giao lại cho tư nhân khai thác. Về tư cách pháp nhân, tổ hợp tác dùng nước được thành lập theo Luật Dân sự, UBND xã xác nhận có đăng ký kinh doanh, HTX làm trung gian, đúng theo Thông tư 26 của Bộ Tài chính. Trên thực tế, các tổ hợp tác này phải thu của nông dân 80kg lúa phơi khô sạch/sào. Tính ra, tổng số thu cao hơn hàng tỉ đồng so với Quyết định 22 của UBND tỉnh. Phần chênh lệch này vẫn phải thu sau khi đã hiệp thương và công khai với dân.

 

Vướng mắc trên không chỉ riêng của Sơn Hòa, mà là tình hình chung của tỉnh Phú Yên. Để giảm áp lực cho nông dân, các quy định về mức thu thủy lợi phí của tỉnh trước đây đều thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của Chính phủ ban hành. Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Đào Tấn Hoàng cho rằng, đối tượng được hưởng lợi từ miễn thủy lợi phí vẫn còn bất cập. Thực tế cho thấy, những chân ruộng cuối kênh thường có điều kiện sản xuất khó khăn hơn đầu nguồn hệ thống thủy lợi. Ngay cả các công trình nhỏ được xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách cũng không được hưởng lợi. TP Tuy Hòa có 2 xã An Phú và Hòa Kiến điều kiện sản xuất khó khăn hơn nhiều vùng khác, nhưng vẫn chỉ được miễn thủy lợi phí trong hạn điền.

 

Phú Yên hiện có khoảng 1.000 ha lúa được tưới bằng máy bơm dầu, trong đó chỉ một phần nhỏ được Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam phục vụ. Phần lớn diện tích này đều nằm ở khu vực khó khăn, không được đầu tư công trình thủy lợi từ nguồn vốn ngân sách, chủ yếu tư nhân tự đầu tư máy bơm phục vụ và thu thủy lợi phí của người dân sau khi thỏa thuận. Vì là khu vực khó khăn, nên năng suất, chất lượng lúa cũng như điều kiện canh tác cũng khó khăn hơn những vùng khác; hiệu quả kinh tế cũng khó khăn hơn nhưng lại không được miễn thủy lợi phí. Trước nay, phí thủy lợi nông dân phải đóng là 30kg/sào, trong đó, nhà nước thu 21kg, tổ khuyến nông - thủy lợi địa phương thu 9kg. Huyện Đồng Xuân thu ít nhất 50kg/giạ giống, khoảng 700kg/ha/vụ, tính ra vượt rất cao so với định mức 650.000 đồng/ha/vụ đối với diện tích tưới bằng động lực. Nếu tính miễn giảm theo Thông tư 26, nguồn kinh phí không đủ cho các trạm bơm hoạt động. Đó là chưa kể nếu tính các quy định trước đây với giá cả thấp hơn hiện nay nhiều lần.

 

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Trần Thị Hà chỉ thị các ngành cần thống kê diện tích được tưới từ công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách hay vốn khác, số thu thủy lợi phí trước nay để tỉnh hoàn thành báo cáo Chính phủ trước 30/6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại toàn bộ mức thu chi để kịp trình trước Quốc hội vào cuối năm; Sở Kế hoạch - Đầu tư xác định An Phú và Hòa Kiến là hai địa phương đề nghị vào khu vực được hưởng miễn thủy lợi phí đối với diện tích vượt hạn điền của các hộ dân. Đối với các thành phần kinh tế vận động đầu tư công trình thủy lợi cũng đề nghị vào khu vực được miễn thủy lợi phí. Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương thay đổi mức giá quy định theo tỉ lệ trượt giá, nếu không vẫn tiếp tục phải huy động tiền của dân có khi còn cao hơn quy định thủy lợi phí từ Quyết định 143 của Chính phủ.

 

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN THỦY LỢI PHÍ:

 

- Hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối trong hạn mức giao đất nông nghiệp, bao gồm: đất do nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển nhượng hợp pháp, kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng.

 

- Diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại điều 22 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư thì được miễn toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; không phân biệt trong hay ngoài hạn mức giao đất.

 

ĐỐI TƯỢNG KHÔNG MIỄN THỦY LỢI PHÍ:

 

- Diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân (trừ diện tích đất được quy định tại mục Đối tượng được miễn thủy lợi phí nêu trên).

 

- Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sử dụng mặt nước, lòng hồ chứa nước của các công trình thủy lợi để khai thác, nuôi trồng thủy sản đã thu thuỷ lợi phí theo Nghị định 143/2003/NĐ-CP.

 

- Các doanh nghiệp hoạt động cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tiêu nước cho sản xuất công nghiệp, cấp nước cho nhà máy nước sạch, các hoạt động kinh doanh thủy điện, kinh doanh du lịch, vận tải qua cống, âu thuyền và các hoạt động khác được hưởng lợi từ công trình thủy lợi.

 

- Các tổ chức, cá nhân nộp thuỷ lợi phí cho tổ hợp tác dùng nước theo thoả thuận để phục vụ cho hoạt động của tổ hợp tác dùng nước từ vị trí cống đầu kênh của tổ hợp tác dùng nước đến mặt ruộng.

 

- Diện tích nằm trong phạm vi tưới, tiêu và cấp nước của hệ thống công trình thủy lợi do các tổ chức, cá nhân đầu tư bằng các nguồn vốn không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nộp thủy lợi phí theo mức thoả thuận giữa đơn vị quản lý thủy nông và hộ dùng nước.

 

- Các đối tượng khác được hưởng lợi từ các công trình thủy lợi không được quy định tại khoản 1 của mục đối tượng miễn thủy lợi phí.

 

Nguồn: Thông tư 26 của Bộ Tài chính

 

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek