Hội chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) Tây Nguyên diễn ra từ ngày 24-27/4 tại tỉnh Đắk Lắk. Đây là chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam đa ngành, là sự kiện quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), là hoạt động xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong vùng.
Lễ khai mạc Techmart Tây Nguyên 2008 - Ảnh: Đ.T.XUYÊN |
Techmart Tây Nguyên nhằm mục đích: Phát triển thị trường công nghệ Tây Nguyên; tôn vinh sức sáng tạo và năng lực KH&CN của Việt Nam; tạo sự gắn kết KH&CN, giáo dục, đào tạo với hoạt động sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, chất lượng hàng hóa và dịch vụ ở Tây Nguyên. Đối tượng tham gia hội chợ khá rộng, bao gồm các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các trường đại học, cao đẳng và học viện; các tổ chức làm dịch vụ KH&CN; các doanh nghiệp và các tổ chức, tập thể, cá nhân có nhu cầu mua bán công nghệ và thiết bị.
Tham gia Techmart Tây Nguyên lần này có 180 đơn vị, gồm 19 viện và phân viện, 2 trường đại học, 28 trung tâm nghiên cứu và phát triển, 17 sở KH&CN, 5 hội và tổ chức, cá nhân, 109 doanh nghiệp từ 19 tỉnh, thành trong cả nước. Hội chợ trưng bày 210 gian hàng, giới thiệu chào bán trên 1.000 công nghệ và thiết bị, giải pháp phần mềm, sản phẩm và dịch vụ. Các lĩnh vực tham gia hội chợ lần này chủ yếu là giống cây trồng, vật nuôi; chế phẩm sinh học phục vụ công nghệ bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch; mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao, mô hình trang trại chăn nuôi động vật rừng; công nghệ hệ thống thủy lợi; công nghệ vật liệu mới, cơ khí chế tạo máy; xử lý và bảo vệ môi trường; các phần mềm phục vụ cải cách hành chính, quản lý doanh nghiệp, phần mềm hệ thống thông tin địa lý (GIS)… Đặc biệt, chú trọng đến công nghệ và thiết bị hướng đến sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và có chi phí thấp so với sản phẩm nhập khẩu.
Các hoạt động diễn ra trong hội chợ gồm nhiều nội dung phong phú và rất bổ ích cho các nhà quản lý, nhà khoa hoc, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong giao dịch, thương thảo, ký kết hợp đồng, ghi nhơ, giải đáp và tư vấn KH&CN, đào tạo và quản lý…
Có 157 bản hợp đồng, ghi nhớ về chuyển giao công nghệ và thiết bị được ký kết cùng hàng ngàn giao dịch, mua bán sản phẩm công nghệ với tổng giá trị lên đến 234,5 tỉ đồng.
Phú Yên có 5 doanh nghiệp tham gia Techmart Tây Nguyên gồm: Nhà máy phân bón NPK Phú Yên thuộc Cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng (Khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu); Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại – Du lịch Phú Minh (Khu Công nghiệp Hòa Hiệp), 2 DNTN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: DNTN Đại Hưng Phát và DNTN Bình SVC. Tại Techmart Tây Nguyên 2008, Nhà máy phân bón NPK Phú Yên đã giới thiệu, hướng dẫân và tặng nhiều chủng loại phân bón cho hàng trăm khách hàng ở Tây Nguyên có nhu cầu sử dụng phân NPK cho cây tiêu, cao su, cà phê…; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam giới thiệu sản phẩm đường chất lượng cao đến nhiều khách hàng; Công ty TNHH Thương mại – Du lịch Phú Minh giới thiệu sản phẩm bia tươi Phú Minh. Riêng hai DNTN Đại Hưng Phát và Bình SVC có hai gian hàng trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ của Phú Yên rất đặc sắc, độc đáo và hấp dẫn. Song song với hội chợ này, DN Đại Hưng Phát cũng tham gia hội chợ Công Thương tại Đắk Lắk, trong đó có 4 sản phẩm độc đáo được đưa ra bán đấu giá để hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở Tây Nguyên. DN Bình SVC đã thực hiện bức tranh “Phong cảnh Tây Nguyên” với chất liệu vỏ quả dừa bằng kỹ thuật, công nghệ mới khá độc đáo để trao tặng cho UBND tỉnh Đắk Lắk nhân hội chợ này, đồng thời cũng để quảng bá thương hiệu độc đáo nói trên cho Tây Nguyên. DN này đã thu hút rất đông người đến xem, mua hàng, đặt hàng, chiêm ngưỡng sản phẩm và tìm hiểu công nghệ tạo ra sản phẩm độc đáo này ngay từ khi khai mạc đến kết thúc hội chợ.
5 DN của Phú Yên được Ban Tổ chức Techmart Tây Nguyên 2008 tặng kỷ niệm chương. Riêng DN Bình SVC, DN Đại Hưng Phát và Sở KH&CN Phú Yên được Bộ KH&CN tặng bằng khen
ĐÀO TỨ XUYÊN
Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên