Thứ Tư, 27/11/2024 02:52 SA
Tàu xa bờ nằm bờ, bao giờ thu hết nợ?
Thứ Sáu, 02/05/2008 07:28 SA

Chương trình cho vay ưu đãi đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393/1997 - TTg đã qua 11 năm, đến nay vẫn chưa thể thu hết nợ. Dù lúc đầu thời hạn trả nợ chỉ trong 7 năm, lãi suất cho vay 9,72%/năm, sau đó lãi suất lần lượt được điều chỉnh xuống còn 7%/năm rồi 5,4%/năm và thời hạn trả nợ kéo dài lên 10 năm, nhưng việc thu hồi nợ vẫn gặp khó khăn.

 

080502-tau.jpg

Hai chiếc tàu xa bờ đang... nằm bờ chờ bán trả nợ - Ảnh: Q.THUẦN

 

ĐẦU TƯ LỚN, HIỆU QUẢ THẤP

 

Trong vòng ba năm (1997 – 1999) Ngân hàng Phát triển chi nhánh Phú Yên đã cho 25 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa vay đóng mới 27 chiếc tàu với tổng giá trị hợp đồng 19.715 triệu đồng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN – PTNT), hầu hết các dự án đóng tàu xa bờ đều hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thua lỗ và kéo theo đó là việc thu hồi nợ từ chương trình này gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích và tự ý bán tài sản hình thành từ vốn vay, như trường hợp của các HTX Thái Bình, Trung Nghĩa (Đông Hòa), Tiến Phát (TP Tuy Hòa). Nguyên nhân của thực trạng này là do trong quá trình thẩm định dự án, các ngành liên quan chưa xem xét kỹ đến khả năng và kinh nghiệm khai thác tuyến khơi của chủ đầu tư. Trong khi vào thời điểm đó, giá gỗ để đóng tàu và các loại thiết bị hàng hải tăng cao khiến chi phí đóng mới, cải hoán tàu tăng vọt, có tàu sau khi hoàn tất chi phí lên gần 1 tỉ đồng.

 

HTX nghề cá An Hòa đã đầu tư gần 1 tỉ đồng đóng mới tàu và mua ngư cụ, nhưng mỗi chuyến đi biển chỉ đạt 50% công suất. Doanh thu chưa tới 300 triệu đồng/năm, trong khi chi phí nhiên - vật liệu đã trên 200 triệu đồng. Lãi chẳng được bao nhiêu nên từ mùa vụ năm 2000, HTX đã cho tàu lên bờ… nghỉ. HTX Hiệp Lực cũng chung số phận. Ông Lê Phước Hiếu, Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực than thở: “Ngư trường ngày càng thu hẹp, giá cả thị trường bấp bênh, trong khi đó vốn lưu động cho mỗi chuyến đi không có, nhiều lúc phải đi vay nóng bên ngoài để trang trải dẫn đến thu không đủ chi. Trả hết nợ vay cho ngân hàng quả là điều không tưởng của HTX”.

 

Nhiều chủ tàu cho biết, nếu ra khơi liên tục hai chuyến liền mà đều bị thua lỗ thì chủ tàu sẽ không còn khả năng đi khai thác nữa.

 

THU NỢ - “VẤP” NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại thấp dẫn đến việc trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nhỏ giọt. Theo Quyết định 89/QĐ/2003 – TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối với các chủ đầu tư có khả năng trả được nợ nhưng lại cố tình chây ỳ, không trả thì không gia hạn hoặc giãn nợ. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày kiểm tra, hộ ngư dân vẫn không trả đủ nợ theo hợp đồng tín dụng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp cùng với tổ chức cho vay lập biên bản, thu hồi tàu để bán đấu giá trả nợ cho nhà nước.

 

Ngày 8/9/2003, UBND tỉnh Phú Yên đã có Quyết định thành lập Hội đồng phân loại chủ đầu tư và định giá đối với những trường hợp chây ỳ, thua lỗ không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đồng thời, Quỹ Hỗ trợ – Phát triển chi nhánh Phú Yên lúc bấy giờ cũng đã có công văn gởi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thủy sản cũ về tiến độ thực hiện Quyết định 89/QĐ – 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ vay đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, việc thu hồi vốn vay từ chương trình này trên địa bàn Phú Yên vẫn là bài toán khó. Ông Lê Thạnh (huyện Đông Hòa), một ngư dân có nhiều kinh nghiệm, cho biết việc ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp, nhiều chuyến ra khơi bị thua lỗ là chuyện có thật. Nhưng theo ông thì làm ăn có khi thắng khi thua, vấn đề là các ngư dân trên đã không có thiện chí trả nợ cho ngân hàng, thậm chí không thèm nộp thuế. Điều này gây bất bình trong giới ngư dân tại địa phương.

 

Để xử lý dứt điểm nợ vay, ngày 4/3/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã có công văn chỉ đạo giao cho UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ngân hàng Phát triển chi nhánh Phú Yên rà soát lại tình hình của các chủ đầu tư vay vốn đóng tàu, từ đó có thống kê và đánh giá về khả năng trả nợ đồng thời kiểm tra việc xác nhận nợ, tổng hợp số liệu xử lý nợ báo cáo liên Bộ Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Việc xử lý phải dứt điểm trước ngày 30/3/2008. Đến nay, thời hạn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh hơn một tháng, nhưng Hội đồng xử lý nợ vẫn chưa xử lý xong nợ. Trả lời Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển chi nhánh Phú Yên Nguyễn Thành Tiến cho biết, chỉ mới bán được 21 chiếc tàu, 6 chiếc còn lại thì 2 chiếc mất tích và 4 chiếc đang được “chào” bán. Tuy ông Tiến không cho biết cụ thể số tiền thu được từ việc bán 21 chiếc tàu bao nhiêu, nhưng theo Sở NN – PTNT Phú Yên, thì chỉ thu được khoảng 20% so với vốn đầu tư ban đầu. “Việc bán 4 chiếc tàu còn lại gặp rất nhiều khó khăn vì tàu đã cũ nát. Nếu có bán hết 25 chiếc tàu (trừ 2 chiếc mất tích) thì không thể thu hết số nợ mà các chủ dự án đã vay tại ngân hàng. Vì vậy, để thu hết nợ thực sự là bài toán khó.” – ông Tiến thừa nhận.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek