Nghị định 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) của Chính phủ có hiệu lực gần nửa năm nay đã giúp công tác quản lý BĐS được siết chặt hơn và hạn chế nhiều rủi ro trong quá trình giao dịch. Đó là nhận xét chung của giới kinh doanh BĐS cũng như người dân có nhu cầu về đất và nhà ở.
Khu đô thị Hưng Phú - Ảnh: N.Q |
Nghị định 153/2007/NĐ-CP nêu rõ: Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định là 6 tỉ đồng. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS và khách hàng thỏa thuận mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước, việc ứng tiền trước phải thực hiện nhiều lần, các lần huy động tiền ứng trước tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhà, công trình đó…
Đối với dự án khu đô thị mới, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Đối với dự án khu nhà ở thì không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Ngoài ra, để được cấp chứng chỉ môi giới, định giá BĐS, cá nhân phải có đủ các điều kiện sau: không phải là cán bộ, công chức nhà nước; Có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá BĐS. Cá nhân được cấp chứng chỉ phải có bằng cao đẳng hoặc đại học…
Những quy định mới này nhằm siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS; đồng thời tạo thuận lợi cho khách hàng. Điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định này là doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kinh doanh BĐS nếu chưa bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì không được huy động vốn của khách hàng.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn Phú Yên đều bày tỏ sự tán đồng với những nội dung trong Nghị định 153/NĐ-CP, cho rằng chế tài đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS là điều hết sức cần thiết và tích cực. “Trước khi Nghị định 153 ra đời tình hình kinh doanh BĐS diễn ra rất lộn xộn. Một số chủ đầu tư vừa thiết lập dự án đã huy động vốn từ phía khách hàng. Rõ ràng vấn đề này là không thể chấp nhận được, bởi khi tham gia dự án là doanh nghiệp phải chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính chứ không thể sử dụng phương thức “lấy mỡ rán mỡ” như một số doanh nghiệp đã làm, thậm chí có doanh nghiệp mới tiến hành khâu giải tỏa đất đai đã không trả nổi tiền đền bù cho dân” – Đại diện Công ty Cổ phần Tài chính – Phát triển doanh nghiệp FBS chi nhánh Phú Yên cho biết. Vì vậy, quy định siết chặt lại nguồn vốn huy động từ khách hàng để loại trừ những rủi ro có thể xảy ra đối với người mua nhà, đất tại các dự án là điều đúng đắn khi trên thị trường BĐS có nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Đầu tư – Kinh doanh địa ốc Thái Thịnh, thì quy định vốn pháp định là 6 tỉ đồng đối với các nhà kinh doanh BĐS là quá thấp, mà phải nâng số vốn pháp định này cao hơn nữa.
NGỌC QUANG