Chưa năm nào giá nguyên liệu sắn tăng cao như năm nay, khiến nhiều người dân, nhất là ở miền núi đầu tư phát triển trồng sắn. Theo các nhà khoa học trong nông nghiệp và quản lý môi trường, việc mở rộng cây sắn quá mức lên đồi núi, trước mắt có thể có được nguồn thu nhập cho nông dân, nhưng sẽ để lại những hậu quả lâu dài như làm đất đồi bạc màu, xói lở... Do vậy, ngay từ bây giờ, có sự quy hoạch, điều chỉnh quy mô sản xuất sắn.
Giá sắn cao khiến nông dân miền núi phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn. Trong ảnh: Nông dân Đồng Xuân thu hoạch sắn - Ảnh: Q.ĐẠT |
SẮN LẤN RỪNG
Nếu như trước đây, ở Phú Yên, hai địa phương trồng sắn truyền thống được biết đến là Sơn Thành (huyện Tây Hòa) và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) thì hiện nay, hầu như xã nào, huyện nào người dân cũng trồng sắn. Giá sắn nguyên liệu từ 500 - 600 đồng/kg hai năm trước hiện đã tăng lên mức hơn 1.500 đồng/kg, khiến nhiều nông dân đổ xô đi trồng sắn. Ông Nguyễn Tấn Hiến ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, cho biết: “Bà con nông dân cứ thấy cái gì có lợi thì làm chứ không theo quy hoạch gì. Lâu nay, địa phương cũng chỉ khuyến cáo chung chung chứ không cản trở việc sản xuất sắn của nông dân. Còn chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, cho biết: “Trồng sắn thấy có lợi hơn nhiều loại cây khác nên nông dân chúng tôi canh tác loại cây này”.
Theo tính toán của người dân, hiện nay, chi phí đầu tư 6-8 triệu đồng/ha sắn, sau khi thu hoạch doanh thu từ 15-20 triệu. Nếu trừ chi phí cày đất, cuốc cỏ, công thu hoạch, vận chuyển… người dân còn lãi trên dưới 10 triệu đồng/ha. Không thể phủ nhận, nhờ cây sắn được giá mà trong năm qua, tuy gặp thiên tai, mất mùa nhưng người dân miền núi đã có được nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Chính vì khoảng lãi trên dưới 10 triệu/ha, người dân sẵn sàng phá bỏ những cây trồng đã gắn bó với họ từ lâu để trồng sắn. Sắn đã chen chân lên đến tận rừng già, xâm lấn cả rừng cấm và ở những nơi có độ dốc lớn. Thời gian gần đây, trung bình 1 tuần, lực lượng chức năng phát hiện từ 15 đến 20 vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng.
NỖI LO HỎNG ĐẤT
Một điều đáng quan tâm khác là chính lối canh tác truyền thống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, không bổ sung chất dinh dưỡng cho đất đã làm cho đất ngày càng cạn kiệt sau mỗi vụ sắn. Ông Ma Phun ở buôn Dành B, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, cho biết: “Trước đây, rẫy sắn hơn 2ha của tôi làm nhiều củ lắm, nhưng nay không sai củ nữa vì rễ sắn hút hết chất bổ trong đất rồi. Bón phân bò thì sợ cỏ mọc “ăn” hết cây sắn, mà bón phân NPK thì đắt lắm, tôi đâu có tiền mua!”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, dọc vùng đồi thuộc các huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra rất mạnh. Nếu những cây màu vẫn tiếp tục đưa lên đồi, nhất là cây sắn, thì ngoài việc gây bạc màu, thoái hóa đất đến mùa mưa, các vùng đồi sẽ chịu tác động mạnh của hiện tượng bào mòn, rửa trôi dữ dội. Khi ấy, không chỉ có người dân địa phương mà cả những vùng hạ du cũng sẽ bị tác động. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, hiện nay diện tích sắn ở Phú Yên đã tăng lên khoảng 3.000 ha, gấp 2,2 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái và đang tiếp tục gia tăng.
Có hiện tượng nông dân phá bỏ nhiều cây trồng khác để trồng sắn. Bằng chứng là rất nhiều cây công nghiệp khác như thuốc lá, mía đều giảm so với năm ngoái, kể cả những cây trồng truyền thống của nhiều vùng đất như mè, đậu đỏ cũng bị cây sắn lấn chiếm hầu hết diện tích. Tình trạng phát triển cây sắn quá mức đang phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu các cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm gia tăng tình trạng bào mòn rửa trôi đất và những bất lợi khác cho sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quản lý, quy hoạch và vận động nông dân đa dạng hóa các loại cây trồng, không để việc trồng sắn diễn ra ồ ạt như hiện nay.
YÊN HÀ