Thứ Tư, 27/11/2024 14:33 CH
Người trồng rừng đói kỹ thuật và khát vốn
Thứ Hai, 21/04/2008 08:38 SA

Trong khi người trồng lúa có khuyến nông viên cơ sở hỗ trợ về mặt kỹ thuật, thì người dân trồng rừng gặp khó khăn vì thiếu sự hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật và cả thiếu vốn.

 

080421-cay-giong.jpg

Người dân Sơn Hòa đưa cây giống đi trồng rừng - Ảnh: LY KHA

Hiện nay, trên địa bàn các xã Đa Lộc, Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu) và các xã phía bắc của huyện Sơn Hòa, nông dân đang đẩy mạnh phong trào trồng rừng. Chỉ tính riêng địa bàn 2 huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân, trong mùa mưa năm 2007, người dân trồng hơn 1 triệu ha rừng. Thế nhưng, điều mà người trồng rừng vô cùng lo lắng là cây bạch đàn, keo lá tràm 1-3 năm tuổi chưa khép tán thì chết lần chết mòn. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), người trồng 3 ha rừng bạch đàn, tâm sự: “Không biết lý do gì, khi cây hơn 1 năm tuổi thì rụng lá chết dần, nhổ gốc lên thấy mối ăn đứt bộ rễ. Tôi nghĩ mãi nhưng vẫn chưa tìm ra cách phòng trừ”.

 

Trồng rừng, khâu quan trọng nhất là kỹ thuật. Theo tính toán của nhiều người, nếu trồng cây bạch đàn từ 7-10 năm mà chỉ được 5-6m3 gỗ là lỗ, bởi vì chi phí đầu tư, nhất là phân bón tăng cao. Phong trào trồng rừng kinh tế đang phát triển mạnh ở các huyện miền núi, người trồng rừng thật sự đang rất cần khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên cho biết: “Các vùng đất gò đồi, đất có độ dốc lâu nay người dân thường trồng sắn, mía, nhưng mấy năm nay mưa lũ trôi hết lớp đất màu mỡ thì chỉ còn bạch đàn, keo lá tràm trụ vững. Do vậy, trên các chân đất này, nông dân đầu tư trồng rừng kinh tế”. Trồng rừng kinh tế nhưng hiệu quả thế nào thì chẳng ai biết được, vì khâu kỹ thuật nông dân chưa nắm vững. Ông Nguyễn Văn Tràng, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) bày tỏ: “Tôi trồng 2 ha cây bạch đàn, nhưng do mua phải giống cây bị u nần nên chậm lớn”.

 

Không nắm bắt khoa học kỹ thuật nên khó dự báo được hiệu quả từ mô hình trồng rừng kinh tế. Do đó, nhiều người dân không mạnh dạn vay vốn ngân hàng. Một số người có nhu cầu vay vốn trồng rừng thật sự thì khó tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Lý do là vay trồng mía, nuôi bò thời gian ngắn dễ thu hồi, còn trồng rừng kéo dài từ 6-8 năm nên Ngân hàng chính sách xã hội huyện e ngại.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) Ma Téo cho biết: “Chưa có văn bản nào từ Ngân hàng Chính sách xã hội gởi về xã khuyến khích nhân dân vay vốn trồng rừng. Cán bộ tín dụng địa bàn không triển khai công việc này, vì vậy xã không thể xét duyệt nếu các hộ dân xin vay vốn trồng rừng”.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa, từ năm 2006 đến nay chưa có hộ nào đăng ký vay vốn trồng rừng. Còn trong danh mục cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân không có nội dung vay vốn trồng rừng.

 

Người dân trồng rừng quả thật đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách rất cần được chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị hữu quan giúp đỡ.

 

MẠNH HOÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek