Những thiệt hại do dịch bệnh trong các vụ trước đã làm người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) kiệt quệ. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại cánh đồng tôm này vẫn chưa được cải thiện đáng kể khiến phần lớn diện tích nuôi tôm khu vực này bị bỏ hoang trong vụ này.
Những hồ tôm bỏ trống ở hạ lưu sông Bàn Thạch - Ảnh: N.LƯU
Theo lịch thời vụ, từ giữa tháng 2 đến hết tháng 3/2008 là thời điểm người dân ở các vùng nuôi tôm sú nước lợ thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch bắt đầu thả nuôi. Tuy nhiên, đến nay rất nhiều đìa nuôi tôm ở khu vực này vẫn im lìm. Những vùng thấp thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch như Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm… các đìa tôm vẫn bỏ không, bờ bãi xập xệ và chưa hề có dấu hiệu bắt đầu một vụ mới. Bà Phan Thị Lợi ở thôn Phước Long, xã Hòa Tâm cho biết: “Hồ nhà tui 8 sào, muốn xuống giống, ít nhất phải có 10 triệu đồng. Đấy là chưa tính chi phí cho cả vụ nuôi. Đi vay thì ngân hàng không cho vì còn thiếu nợ mấy chục triệu chưa trả. Vì thế, vụ này đành bỏ đìa hoang thôi”.
Hòa Tâm là xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng hạ lưu sông Bàn Thạch với 550 ha, chiếm 50% diện tích toàn vùng. Trong vụ này, Hòa Tâm phấn đấu thả nuôi 338 ha. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, số tôm được thả nuôi của xã chỉ có 14 ha. Ông Lưu Phú, cán bộ phụ trách thủy sản xã Hòa Tâm nói: “Bà con quá thiếu vốn. Chỉ có một số hộ nhờ năm ngoái có lãi 10 - 20 triệu đồng thì thả nuôi lại, nhưng cũng không dám thả nhiều”.
Theo ông Dương Tấn Trung, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Hòa, diện tích nuôi tôm toàn vùng hạ lưu sông Bàn Thạch là 1.100 ha. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, vụ này cố gắng lắm cũng chỉ thả được chừng 1/3 diện tích.
Vùng nuôi có sử dụng nước ngầm thuộc đồng Hà Tân và Sát Cháy, xã Hoà Xuân Đông hiện có diện tích thả tôm nhiều nhất ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, tuy nhiên cũng chỉ chiếm khoảng 50% so với trước đây. Nhiều hộ vẫn chưa đủ điều kiện để khôi phục nghề nuôi tôm và lo ngại những hậu quả của môi trường sẽ tiếp tục gây ra dịch bệnh. Ông Nguyễn Kim ở thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông, đang nuôi tôm tại đồng Hà Tân chỉ tay về phía những đìa tôm đang bỏ hoang nói: “Mọi năm đến giờ người ta đã thả hết rồi, còn năm nay đa phần chưa rục rịch gì cả, cỏ mọc cả dãy đìa”.
Tôm sú thương phẩm mất giá trong khi đó chi phí cho thức ăn và thuốc thú y thủy sản tăng cao, gần gấp 2 so với năm ngoái đã đội chi phí nuôi tôm lên rất cao cũng là lý do khiến nhiều hộ dân chưa dám mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trở lại. Theo tính toán của người dân, với 1 sào nuôi tôm sú, mất 4 tháng rưỡi nuôi, chi phí đầu tư ít nhất từ 8-10 triệu đồng. Nhưng với giá tôm sú thương phẩm bình quân 60.000 đồng/kg, dù không bị dịch bệnh gây hại thì người nuôi nếu có lãi cũng rất thấp.
Giải pháp an toàn lúc này mà người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch áp dụng là thả nuôi tôm thẻ chân trắng để giảm chi phí hoặc nhiều người dân đã quay trở lại với phương pháp nuôi tôm quảng canh truyền thống của những năm 1990. Một m2 ao đìa chỉ thả từ 5-10 con tôm giống. Thức ăn được tận dụng ở sông và nuôi theo kiểu “cầu trời”. Nếu thuận lợi thì kiếm vài ba triệu, nếu dịch bệnh xảy ra xem như chỉ mất công.
Cũng cần nói thêm, thì trước đó những mô hình nuôi tôm bằng phương pháp sinh học đã được triển khai tại khu vực hạ lưu Sông Bàn Thạch, mang lại hiệu quả cao. Rồi các mô hình nuôi “đa con” tại vùng Hòa Hiệp
LÊ BIẾT