Chính phủ đã đề ra một giải pháp cả gói bao gồm 8 biện pháp cụ thể để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Song việc thực hiện có thành công hay không đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả Chính phủ và toàn dân.
Giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng lo lắng - Ảnh: M.NGUYỆT |
Liên tục những ngày gần đây, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn và triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có một bức thông điệp đầy trách nhiệm và tâm huyết gửi đến toàn dân, làm rõ nguyên nhân, những giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững.
Trước những thử thách gay gắt đất nước đang gặp phải, Chính phủ đã đề ra một giải pháp cả gói bao gồm 8 biện pháp cụ thể để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Có thể nói, đây là một hệ thống giải pháp kịp thời, đúng đắn và sẽ giải quyết được vấn đề đã nói nhiều nhưng chưa làm được là cải thiện chất lượng tăng trưởng mà đột phá là thắt chặt quản lý đối với đầu tư công. Đặc biệt, các giải pháp này đã thể hiện rất rõ sự quan tâm của Chính phủ đến đại bộ phận người dân, nhất là đối với người nghèo, người làm công ăn lương. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các giải pháp của Chính phủ đề ra đã được thiết kế đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát, đảm bảo tăng trưởng lâu dài. Ông Cao Sĩ Kiêm nói: “Tất cả những hệ thống giải pháp vừa rồi mà Chính phủ công bố thì nó đã giải quyết được 5 vấn đề lớn. Một là, quan điểm giữa lạm phát và tăng trưởng, bây giờ đã có một chủ trương rất nhất quán là tập trung cho chống lạm phát và có điều chỉnh cho tăng trưởng, đấy là một chủ trương rất lớn để bố trí vốn, bố trí hoạt động của các ngành theo hướng này và cũng là biện pháp chống lạm phát. Thứ hai là nó đã tạo nên giải pháp điều hành xử lý lạm phát đồng bộ hơn. Trước đây chúng ta tập trung nhiều vào hệ thống ngân hàng, khả năng thanh toán, nhưng bây giờ đã chống lạm phát thì tất cả các lĩnh vực kể cả chính sách tài khoán, đầu tư, nhập siêu, công tác tư tưởng, tâm lý. Thứ ba là đã chọn được các trọng tâm rất rõ, thế nhưng những vấn đề này vẫn mang tính thiết kế định hướng, có thành công trong chống lạm phát không là còn tùy thuộc vào sự phối hợp nhịp nhàng và quyết đoán nhanh của tất cả các cấp cùng với cả Chính phủ thì mới thành công”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng: Các biện pháp, định hướng mà Chính phủ đề ra đúng hướng, tích cực. Nhưng vấn đề quan trọng không kém là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả. Bởi vì, theo ông, trong các cuộc họp với các tổng công ty nhà nước cũng như với Chủ tịch UBND các tỉnh phía Bắc, việc tập trung kiềm chế lạm phát, duy trì tiềm năng tăng trưởng mới chỉ đạt được sự đồng thuận chứ chưa thấy rõ sự đồng lòng. Chính vì vậy, muốn thắt chặt được chính sách chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ cần phải đặt thêm các tiêu chí cụ thể. Ông Lê Đăng Doanh kiến nghị: “Chính phủ cần phải đặt thêm các tiêu chí, cần phải tổ chức các đoàn liên ngành để về các địa phương rà soát lại các dự án đầu tư và sau đó thì phải mạnh tay cắt giảm các công trình đầu tư không có hiệu quả. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội để nền kinh tế của chúng ta có thể lành mạnh thêm và tốt hơn trong tình hình khó khăn như thế này”.
Rút kinh nghiệm thời gian qua, việc chống lạm phát thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, các loại chính sách: tiền tệ, ngoại hối, nhất là trong chính sách đầu tư công… từ đó đã gây nên tình trạng: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và những bất cập, khó khăn trong quá trình thực thi. Nếu đà này cứ tiếp tục như trước sẽ khiến các giải pháp đúng thiếu đi sức mạnh, không đủ sức xoay chuyển tình hình.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: Bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt; thúc đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu cũng như kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá cả sản phẩm độc quyền thì điều quan trọng là thắt chặt chi tiêu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “Vấn đề quan trọng là chúng ta phải quyết định một tỷ lệ chi tiêu hợp lý. Cơ quan nào quyết định đầu tư thì cơ quan đó phải xác định cho được chỗ nào là không hiệu quả vì họ là người duyệt dự án. Chúng ta chờ xây dựng tiêu chí là mất thời gian và chính Chính phủ đặt ra tỷ lệ và nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta phải cắt giảm 2%. Đấy là ý kiến chuyên gia và căn cứ vào đâu để đưa ra tỷ lệ này thì còn phải bàn thêm nhưng theo tôi, Chính phủ phải kiên quyết đưa ra một mức cắt giảm buộc các bộ, ngành các địa phương phải thực hiện bởi bây giờ Chính phủ phân cấp rất mạnh rồi”.
Nhìn lại kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn bảo đảm tăng trưởng. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế do một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có biểu hiện xấu và nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, thì việc chính phủ đề ra một giải pháp cả gói để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, rõ ràng là rất cần thiết; không chỉ đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng, toàn dân mà còn đang củng cố thêm lòng tin cho toàn thể nhân dân cả nước.
Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chấp hành và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp Chính phủ đã đề ra của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị và từng người dân. Cùng nhau gánh vác và chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua bước khó khăn tạm thời hiện nay và đạt được mục tiêu kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
SÔNG THAO - (VOV)