Chỉ tính riêng niên vụ mía 2007-2008, ông Trần Văn Thảo ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), thu hoạch 800 tấn mía cây bán cho nhà máy đường, thu nhập 200 triệu đồng. Không chỉ một năm, mà gần 10 năm qua, năm nào trang trại của ông cũng cho thu hoạch một sản lượng mía như vậy. Nhờ đó, từ một người nghèo khổ, nay ông Thảo là người có thu nhập thuộc hàng cao nhất vùng.
Ông Thảo bên trang trại mía đang thu hoạch - Ảnh: H.NAM |
Cách trồng 10 ha mía của ông Thảo khác so với mọi người ở chỗ ông để lưu gốc đến 8 năm. Nếu tính khâu làm đất ban đầu và mía giống, chi phí đầu tư giảm hơn 2 triệu đồng/ha. Để mía tốt, đạt năng suất cao, theo ông Thảo, khâu đầu tiên là phải làm cho đất đủ độ ẩm, luôn tơi xốp. Khi thu hoạch xong lá mía không đốt mà cào bỏ ra bờ, dùng cuốc hoặc rựa chặt bỏ gốc mía cũ nhô trên mặt đất, xới cỏ bón phân, sau đó trải lá mía đều lại. Khi mía nảy mầm, hủy bỏ các mầm mía nhỏ, chọn những mầm mía to khỏe để lại. Cách làm này, giúp đất lúc nào cũng đủ độ ẩm và cỏ dại không mọc được trong suốt thời gian mía còn nhỏ. Khi mía đạt 9 đến 10 tháng tuổi, lá mía cũ trải dưới mặt đất bắt đầu ủ mục, đây là lớp phân hữu hiệu cho cây mía lúc này.
Mấy năm trước, đến mùa thu hoạch mía ông thuê gần 50 công lao động, còn nay ông chỉ bán đám. Niên vụ mía 2007-2008, ông thu hoạch được 800 tấn mía cây, thu nhập 200 triệu đồng.
Quê ông Thảo ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nhà nghèo lại không có đất sản xuất. Năm 1993, ông lên đây lập nghiệp. Ban đầu ông khai hoang đất trồng mía, sau có vốn ông tiếp tục mở rộng đầu tư. Sau 8 năm khai hoang, ngoài 10 ha đất trồng mía, ông còn trồng 2 ha cà phê. Ông Bàn Viên Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly cho biết: “Ông Thảo là người nông dân cần cù chịu khó, từ hộ nghèo vươn lên làm giàu. Năm 2005, ông được Hội Nông dân huyện Sông Hinh tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi”.
MẠNH HOÀI