Nhiều doanh nghiệp Phú Yên đang mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực may công nghiệp. Tuy nhiên, trong quý 1/2008, sản lượng hàng may mặc xuất khẩu đã giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp may của Phú Yên đang đứng trước những thách thức khi đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh, chi phí đầu vào ngày càng tăng, cùng với cơ chế giám sát hàng dệt may gắt gao của Mỹ- một trong hai thị trường xuất khẩu chính.
Sản xuất hàng may mặc tại Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN |
CHỊU ẢNH HƯỞNG TỪ SUY THOÁI KINH TẾ MỸ
Năm 2007, công nghiệp dệt may đã vượt dầu thô, trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước. Với lực lượng lao động phổ thông dồi dào, chi phí nhân công khá thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nên ngành dệt may Phú Yên có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên chỉ hoạt động cầm chừng. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quần áo may sẵn tại thị trường châu Âu và Bắc Mỹ của Công ty Cổ phần An Hưng đạt gần 7 triệu USD, là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong lĩnh vực may. Song hiện nay, công ty này cũng không tránh khỏi khó khăn. Giám đốc Công ty Cổ phần An Hưng Huỳnh Thị Khiết cho hay, tuy đơn vị đang mở rộng nhà xưởng và có kế hoạch nâng công suất nhưng với tình hình như hiện nay chúng tôi chỉ có thể duy trì hoạt động ở mức thấp. Giá cả trong nước đang tăng vọt, đô la Mỹ là loại tiền thanh toán chính của hầu hết các hợp đồng đã được ký kết lại mất giá khiến kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ giảm trong những tháng đầu năm. Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, thị trường các nước đã bãi bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam, nhưng chính phủ Mỹ vẫn giữ cơ chế giám sát nên nỗi lo bị kiện bán phá giá vẫn lơ lửng. Sự suy thoái của kinh tế Mỹ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới và dệt may Việt
NỖ LỰC KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN
Phó giám đốc Sở Công Thương Phú Yên Tô Thị Hòa thừa nhận, trong bối cảnh chung hiện nay, ngành may mặc trong tỉnh đang gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, đó cũng là điều bình thường khi nền kinh tế hội nhập nên các doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp. Nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển của Chính phủ đã bắt đầu có tác dụng. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp ký kết được những hợp đồng lớn và đang mở rộng sản xuất nên có thể tin rằng khó khăn sẽ được khắc phục.
Bà Khiết cho biết: “Công ty Cổ phần An Hưng phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng vẫn cạnh tranh được với hàng Trung Quốc là nhờ chất lượng cao hơn”. Theo yêu cầu của đối tác nước ngoài, An Hưng vừa xây dựng khu nhà xưởng mới, dự kiến sẽ thu hút 700 lao động. Qua đó, công suất của An Hưng sẽ tăng cao và hướng đến mục tiêu đưa giá trị xuất khẩu lên 9 triệu USD.
Không chỉ An Hưng đang mở rộng sản xuất, Công ty TNHH may xuất khẩu CAVINA (thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp Phú Yên) đã hoàn thành nhà xưởng và đào tạo nhân công, sẵn sàng nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này. Do đó, các doanh nghiệp và các tổ chức đều lạc quan về việc ngành may mặc sẽ vượt kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực may mặc của Phú Yên đạt 6,67 triệu USD, chủ yếu do Công ty Cổ phần An Hưng thực hiện, chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (72,7 triệu USD). Trong quý 1/2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của Phú Yên đạt 24,7 triệu USD, tăng 37,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng hàng may mặc xuất khẩu giảm 26,4%. (Nguồn: Sở Công Thương Phú Yên)
LY KHA