Thứ Tư, 25/09/2024 07:26 SA
Hỗ trợ kinh tế, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc
Thứ Ba, 08/10/2019 09:24 SA

Y Lá được hỗ trợ bò đã thoát nghèo. Ảnh: MINH DUYÊN

Ở vùng miền núi của tỉnh, qua các chương trình hỗ trợ của hội đoàn thể, đơn vị, đồng bào được trao cơ hội vượt khó vươn lên thoát nghèo. Nhiều cá nhân thoát nghèo lại tích cực giúp đỡ những người khó hơn mình. Cứ như vậy tạo nên cộng đồng cùng ấm no, khối đại đoàn kết dân tộc được thắt chặt.

 

Được giúp đỡ

 

La Mo Quạnh, người dân tộc Chăm ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), nhờ được vay vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn vươn lên trở thành hộ khá với thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. La Mo Quạnh cho biết: Lúc khó khăn, tôi được vay 20 triệu đồng mua 2 con bò lai và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau 2 năm, cặp bò đẻ được 2 bê. Nuôi trưởng thành, tôi bán cặp bò này trả tiền vay, giữ lại cặp cha mẹ và mua thêm bò cái giống. Đến nay, tôi có đàn bò 7 con, kết hợp với trồng lúa, trồng cỏ, gia đình tôi có cuộc sống ổn định.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, dù dân tộc nào thì tinh thần “lá lành đùm lá rách” luôn tồn tại trong văn hóa của người Việt Nam từ bao đời nay và trở thành sợi dây gắn kết giữa các hộ dân trong cộng đồng dân tộc, dân cư, giữa dân tộc thiểu số này với dân tộc thiểu số khác. Từ đây tạo nên khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Mí Uối ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cũng vậy, khi còn khó khăn được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp dành cho hộ nghèo và được Hội LHPN xã cho vay 5 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo. Từ đây, mí Uối có vốn mua bò, mua cây giống trồng mía, sắn, keo lai. Sau 1 năm, mí Uối có thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm, cuộc sống không còn khó khăn như trước nữa.

 

Còn Y Lá ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), từng được Sở TN-MT hỗ trợ bò giống và kỹ thuật trồng mía tưới nước. Sau 2 năm cố gắng, Y Lá đã thoát nghèo. Theo Y Lá, trước đây gia đình anh chỉ trông vào trồng lúa, mía, sắn, cuộc sống bấp bênh vì giá cả, thiên tai. Anh muốn có con bò để chăn nuôi đắp đổi với trồng trọt nhưng không đủ tiền. Rồi anh được hỗ trợ bò giống, được cán bộ nông nghiệp xã, huyện thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật tới khi bò mang thai. Bán bò con, anh lấy tiền đầu tư vào trồng trọt, lại lấy sản phẩm trồng trọt làm thức ăn cho bò. Cứ như vậy, anh đã ổn định cuộc sống và thoát nghèo. “Bò sinh được bê con, tôi lại nhường con bê đó cho các hộ nghèo khác trong xã”, Y Lá nói.

 

Giúp đỡ lại người khó

 

Khi La Mo Quạnh có điều kiện, ông sẵn sàng giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn. Từ năm 2017 đến nay, 4 hộ từ sự giúp đỡ của La Mo Quạnh đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. La Mo Quạnh cho biết thêm: Mỗi năm, tôi giúp 2 hộ thiếu vốn sản xuất vay từ 5-10 triệu đồng/hộ không tính lãi để họ có vốn ban đầu xoay xở cuộc sống.

 

“Tôi từng phải đi vay lãi 3 triệu đồng, 5 triệu đồng để mua giống vào mỗi vụ sản xuất. Tôi hiểu khó khăn thế nào nên muốn giúp những người khó hơn mình, để họ yên tâm sản xuất, không phải áp lực trả nợ. Với các hộ khác trong thôn, tôi chia sẻ thành công mô hình nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao của mình, từ cách chọn giống, chủ động nguồn thức ăn đến kỹ thuật chăm sóc. 20 hộ sau khi áp dụng mô hình của tôi đã đạt hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo bền vững”, La Mo Quạnh nói.

 

Mí Uối cũng vậy, khi thấy trong thôn còn nhiều hộ khó khăn đã tích cực tham gia hỗ trợ hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Mí Uối cho biết: Tôi vận động được 7 người trong thôn thành lập mô hình Nhân đạo từ thiện, thực hiện hàng tháng nấu cháo 2 lần cho người nghèo. Với phụ nữ, trẻ em nghèo, chúng tôi vận động quyên góp được hơn 106 triệu đồng mua gạo, mì ăn liền, quần áo, nhu yếu phẩm để giúp đỡ.

 

Ma Phong, Ma Lin, Oi Min… ở buôn Ken, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) là những hộ nghèo được Nay Hờ Bông cho mượn 1ha đất sản xuất và cả cây giống, con giống để canh tác. Trong đó, Oi Min ốm đau, bệnh tật không có khả năng lao động được Nay Hờ Bông hỗ trợ tiền viện phí và gạo hàng tháng để ổn định cuộc sống. Oi Min cho biết: Thấy tôi khó khăn, mỗi tháng Nay Hờ Bông hỗ trợ 10kg gạo. Mỗi lần đi khám bệnh, mua thuốc, tôi cũng được Nay Hờ Bông và bà con trong buôn giúp đỡ. Nhờ đó, tôi no cái bụng, yên tâm lao động sản xuất.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek