Thứ Năm, 28/11/2024 15:01 CH
Nông dân làm giàu nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Thứ Hai, 07/10/2019 14:37 CH

Mô hình Chăn nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng giúp nông dân huyện Tuy An có điều kiện thoát nghèo. Ảnh: NGỌC HÂN

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều dự án, mô hình đồng hành cùng ND trong nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

 

“Việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất đã giúp ích rất nhiều cho hội viên, bà con ND trong tỉnh”, Chủ tịch Hội ND tỉnh Lê Đủ khẳng định.

 

Khi ND làm chủ công nghệ

 

Nhẩm tính lại hiệu quả về mặt kinh tế của việc ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua trong chăn nuôi bò, ông Nguyễn Văn Thành ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi bò nhiều năm, lúc trước chủ yếu dùng cỏ, rơm rạ để cho bò ăn nên việc trữ cỏ cho mùa khan hiếm rất cực. Từ khi tôi được tiếp cận với việc dùng thức ăn ủ chua để vỗ béo bò, đàn bò ăn nhiều hơn, ngủ ngon, đường tiêu hóa ổn định và tăng trọng tốt. Sau thời gian vỗ béo bằng thức ăn ủ chua, bò tăng trọng với mức tăng gần 1kg/ngày/con nên bà con chúng tôi rất phấn khởi khi áp dụng kỹ thuật nuôi mới này”.

 

Còn theo ông Nguyễn Duy Trinh ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi vịt trời và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay đàn vịt của gia đình ông có hơn 3.000 con; mỗi tháng xuất bán khoảng 500 con vịt thương phẩm; bình quân mỗi con nặng từ 1,8-2,5kg, được bán với giá 150.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 250-300 triệu đồng từ việc xuất bán vịt thương phẩm. Theo kinh nghiệm của ông Trinh, để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng thì vịt trời nên được chăn thả tự nhiên.

 

“Khi vịt được một tháng tuổi thì bắt đầu cho ăn bắp, chuối, rau muống… Vịt trời ăn ít, chỉ khoảng 10% khẩu phần ăn của vịt nhà. Từ khi nở ra đến khi xuất bán, chi phí thức ăn cho mỗi con vịt trời khoảng 50.000 đồng. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm chuồng trại để tăng đàn, kịp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”, ông Trinh nói.

 

Hành động tập thể

 

Để giúp ND ứng dụng KH-CN, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, thời gian qua, các cấp Hội ND đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực. Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết: “Thông qua hoạt động phong trào, các cấp Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp, KH-CN, các doanh nghiệp, trung tâm, trường dạy nghề tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm ngàn lượt hội viên, ND…

 

Từ đó thay đổi nhận thức, cách làm trong ND về chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng của địa phương và nguồn đầu tư của gia đình. Đồng thời phối hợp tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho ND, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Thông qua các lớp tập huấn, hầu hết ND được hiểu biết thêm nhiều quy trình kỹ thuật mới để từng bước áp dụng vào tình hình thực tiễn của mỗi hộ gia đình, tạo thêm công việc mới cho lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều dự án, mô hình được triển khai như: Dự án Chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại; dự án Nhân giống và sản xuất chuối theo hướng công nghiệp ở vùng trung du; mô hình Chuỗi liên kết rau an toàn; mô hình Nuôi trâu đàn kết hợp dịch vụ; mô hình Sản xuất bánh tráng theo dây chuyền công nghiệp…

 

Nhiều năm trồng sắn, bắp trên rẫy của gia đình nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, năm 2010, ông Trần Hữu Luật quyết định vay vốn mua thêm đất, đầu tư trồng mía, cao su và một số cây nông nghiệp ngắn ngày. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, chất lượng đường từ cây mía và mủ cao su ngày càng được nâng lên, đem lại thu nhập cao, giúp kinh tế gia đình ông ổn định. Hiện trang trại gia đình ông có 6ha mía, 3ha cao su, 2ha lúa nước, bắp và một ao cá rộng 500m2 kết hợp với phục vụ tưới tiêu. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí, ông Luật thu về hơn 400 triệu đồng; 6 lao động làm việc thường xuyên cho ông có mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Tương tự, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình Trồng mía hàng đôi gắn với dịch vụ cơ giới hóa, gia đình ông Huỳnh Khắc Vũ ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), mỗi năm thu nhập trên 1 tỉ đồng. “Gia đình tôi áp dụng kỹ thuật trồng mía hàng đôi bằng máy nên số lượng mía “đứng” rẫy nhiều hơn hẳn, mía mọc đều, hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí thuê lao động. Mô hình ứng dụng công nghệ cơ giới hóa được đông đảo bà con học theo. Khả năng vụ này năng suất mía bình quân của tôi vượt 100 tấn/ha, cá biệt có những ruộng mía thâm canh có thể chạm mức 150 tấn/ha”, ông Vũ nói.

 

 

Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngoài các định hướng mang tính đột phá mà tỉnh đã đề ra thì yếu tố “người ND kiểu mới” đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, ND phải tổ chức được “hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung. Kèm theo đó, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của ND phải được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng sản phẩm… Để làm được điều này, các hộ ND cần áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất chứ không theo kiểu đơn lẻ, mang tính cá nhân như lâu nay.

 

Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội ND tỉnh

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek