Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Có thể có một số doanh nghiệp (DN) khó khăn, thậm chí lâm vào cảnh phá sản nhưng phần lớn các DN sẽ trụ vững và vươn lên, nhiều DN mới sẽ tham gia thị trường và toàn bộ nền kinh tế sẽ phát triển theo mục tiêu, định hướng đã đặt ra.
Dây chuyền sản xuất nước ngọt có gas của Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC
DN được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế thu nhập đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ mà các nước mở cửa theo Nghị định thư gia nhập của các nước này, không phân biệt đối xử. Điều đó tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và trong tương lai, với sự lớn mạnh của DN và nền kinh tế nước ta, mở rộng kinh doanh dịch vụ ra ngoài biên giới quốc gia.
Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung ngày càng được cải thiện. Đây là tiền đề rất quan trọng để không những phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế trong nước mà còn thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Gia nhập WTO, chúng ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện bảo vệ lợi ích của đất nước, của DN.
Chủ trương của chúng ta là chủ động đổi mới, cải cách thể chế kinh tế ở trong nước để phát huy nội lực và hội nhập với bên ngoài nhưng chính việc gia nhập WTO, hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách của ta đồng bộ hơn, hiệu quả hơn.
NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Các DN sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, với nhiều “đối thủ” hơn, trên bình diện rộâng hơn, sâu hơn. Đây là sự cạnh tranh giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm các nước, giữa DN Phú Yên, DN các tỉnh với DN các nước, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường Việt Nam do thuế nhập khẩu phải cắt giảm từ mức trung bình 17,4% hiện nay xuống mức trung bình 13,4% trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhiều mặt hàng còn giảm mạnh hơn.
Trên thế giới, sự “phân phối” lợi ích của toàn cầu hóa là không đồng đều. Những nước có nền kinh tế phát triển thấp được hưởng lợi ít hơn. Ở mỗi quốc gia, sự “phân phối” lợi ích cũng không đồng đều. Một bộ phận dân cư được hưởng lợi ít hơn, thậm chí còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa; nguy cơ phá sản một bộ phận DN và nguy cơ thất nghiệp sẽ tăng lên, phân hóa giàu nghèo sẽ mạnh hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước sẽ tăng lên. Sự biến động trên thị trường các nước sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước, đòi hỏi chúng ta phải có chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, có năng lực dự báo và phân tích tình hình, cơ chế quản lý phải tạo cơ sở để nền kinh tế có khả năng phản ứng tích cực, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực trước những biến động trên thị trường thế giới.
Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý nhằm hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các cam kết. Thực hiện một cách mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục, giấy tờ không thực sự cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thành lập DN và tham gia thị trường, đưa nhanh hàng hóa và dịch vụ vào kinh doanh.
Chấp nhận cơ chế thị trường trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật – công nghệ và dạy nghề để huy động các nguồn lực nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, cải cách giáo dục đại học và dạy nghề từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chế độ thi cử ở tất cả các cấp đào tạo. Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho những ngành nghề cần thiết nhưng tính cạnh tranh thấp.
Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng đã và sẽ hạn chế thu hút đầu tư là tăng chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Cạnh tranh giữa các nước về cơ sở hạ tầng sẽ là sự cạnh tranh dài hạn, nhất là trong điều kiện các hình thức ưu đãi trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ bị loại bỏ. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng sự phát triển cơ sở hạ tầng.
Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng với nhiều sản phẩm đa dạng, dịch vụ viễn thông, du lịch và các loại dịch vụ tư vấn để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân lập DN.
Các DN phải xác định được chiến lược mặt hàng và chiến lược thị trường đúng đắn. Trên cơ sở lựa chọn đúng chiến lược thị trường, chiến lược mặt hàng mà đổi mới công nghệ sản xuất và quản lý. DN Phú Yên phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít càng cần phải tăng cường liên kết hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang, xác lập quan hệ bạn hàng và nhanh chóng hình thành hệ thống phân phối.
Thạc sĩ NGÔ HỒNG GIANG
(Trường ĐH Bán công Marketing)