Nhìn cửa sông ngày một hẹp dần, những doi cát giữa dòng cứ nhô cao và dài thêm, ông Nguyễn Đức, khu phố trưởng khu phố Bạch Đằng (phường 6, TP Tuy Hòa) than: “Trước Tết Mậu Tý biển động liên tục, cá chạy đi đâu biệt tăm, đi chuyến nào lỗ chuyến đó. Ra giêng, vài người mới trúng được chuyến đầu thì xăng dầu tăng giá, chi phí đội lên cao. Giờ thì cửa sông lại bị bồi lấp, không còn lối cho tàu thuyền ra vào, bít đường làm ăn của ngư dân”. Theo lời ông Phạm Ượt, một lão ngư cao tuổi nhất nhì ở làng cá này, trước kia, từ bờ bên này muốn sang bờ bên kia phải đi bằng thuyền hoặc thúng chai, không bao giờ dám lội bộ. Khu vực cảng cá - nơi tàu thuyền thường neo đậu và vào trú bão - nối bảy cây sào chống vẫn chưa tới đáy. “Thế nhưng, giờ chú thấy đấy, trẻ con có thể lội bộ qua lại. Thậm chí chúng còn ra giữa dòng sông chạy nhảy, đánh đáo, thả diều trên những doi cát” - ông Ượt nói.
Cửa Đà Rằng giờ giống như một con lạch nhỏ, chỉ xuồng tay, thuyền gắn máy F là có thể ra vào - Ảnh: X.HIẾU |
Theo nhiều ngư dân, đây không phải là lần đầu cửa sông Đà Rằng bị cát bồi lấp. Như đã thành quy luật, cứ năm nào ít lụt lội, cát nằm lại cửa sông nhiều thì năm sau, khi sông cạn kiệt, nước từ thượng nguồn đổ về yếu, gặp lúc biển động, thủy triều lên là lấp cửa. Tuy nhiên chưa có lần nào cửa sông bị lấp sớm và trầm trọng như lần này.
TÀU THUYỀN TIẾN THOÁI LƯỠNG
Cửa sông Đà Rằng bị lấp khiến hàng trăm tàu thuyền của ngư dân phường Phú Đông, phường 4 và phường 6 (TP Tuy Hòa) tiến thoái lưỡng nan. Tàu thuyền sau khi đánh bắt trở về không thể vào cảng để xuống cá, mà phải chạy ra Sông Cầu, Quy Nhơn (Bình Định)… Chi phí xăng dầu, bốc vác, bến bãi… tăng lên nên có khi lãi mà thành lỗ hoặc huề vốn. Những chiếc mắc kẹt bên trong thì ngư dân chỉ còn cách… bó gối ngồi chờ. Những chủ tàu đã lỡ vay, ứng trước xăng dầu, đá cây, lỡ gọi bạn (lao động làm thuê trên tàu cá) thì vừa phải trả lãi vay, vừa phải lo cơm nước cho bạn.
Hiện cửa sông Đà Rằng giống như một con lạch nhỏ. Hàng ngày, chỉ những chiếc xuồng tay, thuyền gắn máy dưới 10 CV mới ra vào cửa được. Những chiếc từ 10 đến 45CV chỉ có thể ra vào khi thủy triều lên cao nhất (khoảng chín, mười giờ đêm), nhưng cũng rất khó khăn. Nếu không có kinh nghiệm, không nắm rõ luồng lạch, rất dễ bị mắc cạn vì dòng chảy thay đổi liên tục. Anh Dương Thanh Sơn từ thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa, nhận lời vào đi bạn cho tàu PY- 90577 TS, nhưng phải “ăn không ngồi rồi” gần một tuần nay. Anh Sơn cho hay: “Tàu ra đến giữa sông là bị mắc cạn, không thể ra cửa được do dòng chảy thay đổi liên tục”. Ông Nguyễn Điền, chủ tàu PY-90577 TS than thở: “Khó khăn lắm tôi mới lo đủ phí tổn và gọi đủ bạn, nhưng giờ phải nằm ở giữa sông. Tôi định đi chuyến này để bù lại mấy chuyến thua lỗ trước đây. Nào ngờ…”.
Cửa sông Đà Rằng bị cát bồi lấp không chỉ giam hãm tàu thuyền, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác, đời sống của hàng ngàn ngư dân mà còn làm nhiễm mặn ở một số vùng đất sản xuất.
Vì quá bức xúc, chiều 20/3, một số ngư dân trong các ban lạch ở phường 6, phường 4 và phường Phú Đông đã góp tiền thuê máy hút bùn đìa tôm để hút cát, tạo luồng lạch cho tàu thuyền tạm thời ra vào duy trì hoạt động đánh bắt. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình huống. Phường 6 đang đề nghị UBND TP Tuy Hòa sớm giải quyết tình trạng trên.
XUÂN HIẾU