Ngư dân xã Hòa Hiệp |
CÁC CHỈ TIÊU THỦY LÝ, THỦY HÓA THÔNG THƯỜNG
- Nhiệt độ nước vùng nuôi thấp vào buổi sáng (24oC), tăng dần đến 310C vào lúc 15 giờ ngày 10/3. Vào các ngày thu mẫu, thời tiết tốt, trời không mưa, có nắng nhẹ vào buổi chiều. Thời tiết nắng ấm tạo điều kiện cho tôm tăng cường hoạt động bắt mồi và hồi phục sau thời gian lạnh dài.
- Độ mặn: nước biển tự nhiên dao động từ 33- 35‰ thuộc các vùng nuôi Sông Cầu. Vùng nuôi Tuy An có độ mặn thấp hơn do ảnh hưởng của lượng nước ngọt từ các sông. Tại cầu Vạn Củi - An Ninh Tây độ mặn của nước là 5‰, nước trong đầm Ô Loan ở khu vực Vũng Diều, Nhơn Hội có độ mặn từ 21- 22‰. Các vùng nuôi Đông Hòa có độ mặn dao động trên dưới 10‰; nguồn nước cấp cho đìa nuôi chủ yếu là từ các giếng ngầm.
- Độ kiềm: trừ các mẫu nước ngầm thu ở An Ninh Tây và Hòa Tâm có độ kiềm thấp (dưới 80ppm), các điểm thu mẫu ở Sông Cầu, đầm Ô Loan và các mẫu nước giếng ở Đông Hòa đều có độ kiềm nằm trong ngưỡng cho phép (từ 80- 110ppm). Các điểm có độ kiềm thấp có thể do ảnh hưởng của nước ngọt hoặc do trong quá trình nuôi, chủ hộ chưa bổ sung đủ lượng vôi cần thiết. pH nước các vùng nuôi dao động trong ngưỡng cho phép, khoảng 7,8- 8,3. Riêng 2 mẫu nước ngầm ở Phước Giang, Đa Ngư, pH nước đo được thấp, dưới 7.
CÁC CHỈ SỐ VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
- Các chỉ số về ô nhiễm dinh dưỡng: Hầu hết các mẫu nước thu trong ao, vùng nuôi hở không có ô nhiễm dinh dưỡng, các chỉ số phản ánh độ ô nhiễm dinh dưỡng như hàm lượng Amoniac, Nitrit, Nitrat, Phosphat ở các điểm thu mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng các mẫu nước ngầm thu ở Phước Giang, Đa Ngư - Đông Hòa có hàm lượng amoniac rất cao, vượt quá ngưỡng cho phép nhiều từ 2- 6 lần.
- Ô nhiễm Hydro sulfua: Hàm lượng hydro sulfua trong các mẫu nước thu ở Phước Giang, Hòa Tâm cao, vượt gấp 3-4 lần ngưỡng cho phép. Ở các điểm thu mẫu khác, không có ô nhiễm Hydro sulfua. Hàm lượng hydro sulfua cao có thể gây độc cho tôm nếu pH nước thấp. Khuyến cáo đối với người nuôi là sử dụng vôi định kỳ và đúng liều lượng để làm giảm tác hại của Hydro Sulfua .
- Ô nhiễm sắt: Hàm lượng sắt trong các mẫu nước ngầm thu tại Phước Giang, Đa Ngư rất cao, vượt ngưỡng cho phép từ 50- 180 lần, việc lấy nước ngầm trực tiếp vào ao có thể gây hại trực tiếp cho tôm nuôi.
- Về chỉ số vi sinh: Ô nhiễm vi sinh được phát hiện ở các điểm thu mẫu Vũng Chào (Xuân Phương), cầu Vạn Củi (An Ninh Tây, Tuy An), Diêm Hội (An Hòa, Tuy An) và mẫu nước ao nuôi tôm của ông Hành thuộc Vũng Nhám (An Hiệp, Tuy An) có mật độ vi khuẩn Vibrio trên 10x 102CFU/ml nước. Hiện tượng kèm theo nữa là nước trong ao hoặc vùng nuôi phát sáng, một số ao có hiện tượng tôm chết đỏ nhưng không đồng loạt như đối với bệnh thân đỏ đốm trắng.
Tại các vùng nuôi xảy ra hiện tượng tôm nuôi bị chết rải rác do hiện tượng đỏ thân, một số có đốm trắng. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm các mẫu tôm nuôi trong tỉnh cho thấy: không có mẫu nào nhiễm MBV và vius gây thân đỏ đốm trắng. Vậy nguyên nhân có thể do sức đề kháng của tôm giảm sau thời gian dài thời tiết lạnh gặp chất lượng nước ao kém, mật độ vi khuẩn gây bệnh cao, dẫn đến tôm nuôi bị nhiễm khuẩn và chết.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Giống kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo: người nuôi cần chú ý tăng cao mực nước trong ao, ổn định các yếu tố môi trường khác như pH nước, độ kiềm, độ mặn, màu nước… để hạn chế gây sốc cho tôm. Đồng thời bổ sung các loại khoáng và Vitamin C trong khẩu phần ăn của tôm. Việc cấp trực tiếp nước ngầm cho ao nuôi tôm có chất lượng không đạt yêu cầu (pH thấp, hàm lượng phèn sắt và khí độc Amoniac cao) có thể gây những ảnh hưởng lâu dài cho tôm nuôi. Người nuôi cần chú ý xử lý nước ngầm trước khi cấp vào ao bằng cách tăng cường sục khí và bón vôi để khử bớt phèn sắt, giảm lượng khí độc trong nước ngầm và ổn định pH. Đối với các ao nuôi có tôm bị chết do bệnh đỏ thân cần nhanh chóng lấy mẫu tôm kiểm tra để tìm nguyên nhân gây chết (do vius hoặc vi khuẩn) và có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp lượng tôm trong ao chết quá nhiều (>50% lượng tôm trong ao) người nuôi nên khử trùng nguồn nước trước khi xả bỏ và cải tạo ao đúng quy trình trước khi thả lại tôm. Các ao nuôi tôm sú định kỳ khử trùng nước nuôi bằng một trong các loại hóa chất khử trùng thông thường như vôi, Iodine, BKC… Đối với các lồng nuôi tôm hùm, người nuôi nên định kỳ treo túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nguồn nước.
LÊ THỊ NỞ
Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên