Thứ Tư, 27/11/2024 12:42 CH
Bao giờ khống chế được dịch bệnh tôm hùm?
Thứ Ba, 18/03/2008 11:00 SA

Mấy tháng nay, ngành thủy sản, chính quyền các địa phương ven biển Phú Yên đã nỗ lực triển khai các biện pháp “cứu” tôm hùm bị bệnh đục thân (bệnh tôm sữa). Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan với tỉ lệ tôm chết chiếm khoảng 50% số tôm nuôi trong lồng. Người nuôi tôm hùm bị thiệt hại nặng, nợ ngân hàng chồng chất và đang hoang mang, lo lắng không biết bao giờ mới khống chế được dịch bệnh tôm để khôi phục, phát triển nghề này.

 

080318-hum.jpg

Tôm hùm bị chết ở Xuân Thịnh (Sông Cầu) hồi cuối năm 2007 - Ảnh: LÊ QUANG NHẬT

 

BỆNH TÔM SỮA VẪN TIẾP TỤC LÂY LAN

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thịnh (Sông Cầu) Trương Hồng Ngọc cho biết: “Dịch bệnh tôm sữa vẫn đang lây lan ở các vùng nuôi, nên bà con ngại đầu tư thả con giống nuôi trong vụ này. Hiện số hộ nuôi và số lồng tôm thả nuôi ở đây đã giảm từ 60 – 70%!”. Tôm hùm đang vào chính vụ, thế nhưng ở hầu hết 3 khu vực nuôi tôm hùm chính gồm 13 vùng ven biển đều có vẻ yên ắng. Vùng biển Phú Dương, Vịnh Hòa… (xã Xuân Thịnh) được mệnh danh là “vương quốc” tôm hùm, nhưng nay nhiều người dân đành bỏ nuôi tôm hùm và kéo lồng lên chất ken dày trên bãi biển…

 

Ông Nguyễn Hữu Minh, người nuôi tôm ở thôn Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh), than thở: “Tôm hùm nuôi đã được từ 0,4 – 0,6 kg, nhưng liên tục bị chết rớt trắng đáy lồng. Tôm của tôi hao hụt chỉ còn khoảng 150 con trong tổng số trên 350 con. Vụ tôm trước lỗ trên 30 triệu đồng, vụ tôm này có khả năng lỗ nặng hơn do tôm vẫn tiếp tục chết nhiều và chi phí tăng cao”. Toàn xã Xuân Thịnh thả nuôi tôm lứa (bình quân 0,5 kg trở lên) trên 550 lồng với khoảng 55.000 con, nhưng hơn 80% số lồng nuôi có tôm hùm bị bệnh chết hàng loạt. Ngoài bệnh tôm sữa, thời gian gần đây do trời lạnh, tôm hùm bị đỏ thân, đen mang, bỏ ăn và chết. Điều này càng gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Hộ ông Trần Văn Son ở thôn Hòa An, xã Xuân Thịnh thả nuôi 1.000 con, hiện chỉ còn 100 con; hộ ông Nguyễn Hữu Phước ở thôn Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh) nuôi gần 300 con bị hao hụt chỉ còn 30 con…

 

Trong vụ này, giá tôm hùm giống rất rẻ, khoảng 60 – 70.000 đồng/con (giảm hơn 1/3 so với giá tôm hùm giống vụ trước), nhưng trước thực trạng bệnh tôm sữa lây lan, ít người mặn mà đầu tư mua tôm giống thả nuôi. Hầu hết người dân không còn dám đầu tư ương tôm hùm giống như các vụ trước. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, trong vụ này, toàn huyện mới thả nuôi khoảng 700 lồng tôm hùm, chỉ bằng 30% số lồng nuôi so với cùng kỳ năm trước.

 

BAO GIỜ KHỐNG CHẾ ĐƯỢC DỊCH BỆNH TÔM?

 

Sau khi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiến hành điều tra, xác định bệnh tôm sữa và công bố các phương pháp phòng trị bệnh tôm hùm ở miền Trung, ngành thủy sản Phú Yên phối hợp với chính quyền các huyện ven biển đã triển khai chương trình phòng chống khẩn cấp dịch bệnh tôm hùm. Ông Phạm Văn Tuấn cho biết, huyện Sông Cầu đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho bà con kỹ thuật nuôi, cách pha trộn thuốc và tiêm kháng sinh phòng trị bệnh tôm hùm. Sau khi sử dụng các loại kháng sinh Doxycyline, Enrocine OSSI-C, Vime N333, vitamin… tôm ngừng chết, nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng bệnh tái phát. Thêm vào đó, nhiều người dân vẫn chưa tin tưởng kỹ thuật xử lý bệnh tôm, chưa tích cực hưởng ứng và thực hiện theo phác đồ điều trị bệnh tôm. Đặc biệt, do bệnh tôm sữa quá nặng và lây lan trên diện rộng, nên vẫn chưa thể khống chế được dịch bệnh.

 

Cũng theo ông Phạm Văn Tuấn, đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa xác định chính xác các nguồn lây nhiễm bệnh tôm hùm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vùng bùng phát bệnh tôm đều chưa có quy hoạch chi tiết; mật độ lồng, mật độ thả nuôi quá dày, khoảng cách giữa các bè quá gần không đảm bảo trao đổi nước, trong khi đó, qui trình nuôi vẫn thủ công là chính. Các địa phương chưa quản lý được lực lượng khai thác, mua bán giống, do đó chưa kiểm soát được chất lượng của nguồn giống; công tác quản lý cộng đồng còn yếu kém, đa số các thôn, xã chưa thành lập tổ tự quản. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ nuôi còn nhiều hạn chế, hầu hết chất thải từ hoạt động nuôi tôm (kể cả xác tôm chết do nhiễm bệnh) đều xả thải trực tiếp ra môi trường. Nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, động vật nhuyễn thể tươi sống chưa được kiểm tra về mặt chất lượng… Những yếu tố trên có thể là nguồn mang mầm bệnh khiến cho tôm hùm chết hàng loạt.

 

Với những thực trạng trên, không biết bao giờ mới khống chế được dịch bệnh tôm ở các vùng nuôi ven biển? Và người nuôi tôm hùm đang thật sự “đánh bạc với trời”!  Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thịnh Trương Hồng Ngọc kiến nghị: Trước mắt, các ngành chức năng cần sớm thực hiện điều tra môi trường để cảnh báo cho người nuôi; vận động người nuôi tôm hùm thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh tôm hùm. Các địa phương thành lập Tổ tự quản người nuôi tôm hùm, thực hiện quản lý cộng đồng ở các vùng nuôi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh tôm hùm đến các hộ dân. Nhà nước cần cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và có chính sách hỗ trợ thiệt hại, nhằm giúp dân khống chế bệnh tôm và khôi phục nghề nuôi tôm hùm có hiệu quả.

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek