Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp để áp dụng công nghệ cao được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt từ năm 2003 và đã có nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư tại đây. Tuy nhiên đến nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng mới bắt đầu, với những vướng mắc cần tháo gỡ.
Sản phẩm trứng gà của cơ sở chăn nuôi gà Đồng Lợi - Ảnh: N.T |
KHỞI ĐẦU CHẬM CHẠP
Dự án Đầu tư khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) làm chủ đầu tư được thực hiện tại thôn Thạnh Lâm, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) trên diện tích 460 ha. Theo quy hoạch, khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao có 5 khu chức năng gồm khu chăn nuôi tập trung (150 ha), khu trồng hoa cảnh, rau sạch (50 ha), khu trồng cây công nghiệp, ăn quả (100 ha), khu nghiên cứu thực nghiệm (26 ha) và khu chế biến và dịch vụ (15 ha).
Đây là dự án khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao (KNNADCNC) đầu tiên ở Phú Yên, có mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học trong lai tạo sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, giúp đưa nhanh công nghệ mới, sản xuất, thu hoạch, chế biến thông qua các mô hình gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu với sản xuất, dịch vụ; từ đó chuyển giao cho nông dân nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần tăng cường sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. KNNADCNC ra đời nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ cao, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước để xây dựng ngành nông nghiệp cao cho địa phương. Đồng thời, đây còn là nơi tập trung khai thác, hỗ trợ các ý tưởng khoa học công nghệ cao, tiên tiến của các tổ chức cá nhân, thúc đẩy đổi mới công nghệ, thương mại hóa công nghệ cao.
Theo kế hoạch, từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006, dự án KNNADCNC tiến hành xây dựng hệ thống giao thông giai đoạn 1, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, nhà quản lý trung tâm, trồng cây xanh. Ông Hồ Văn Tùng, Phó giám đốc Sở KH-CN kiêm Trưởng ban quản lý dự án, cho biết: Kế hoạch là vậy, nhưng tỉnh không phân bổ kinh phí nên chưa làm được gì. Đến năm 2007, tỉnh mới giải ngân được 1 tỉ đồng để thanh toán các khoản nợ lập dự án, thiết kế thi công một số hạng mục công trình. Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) Nguyễn Minh Thân nói: Từ khi biết tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng KNNADCNC tại đây, nhân dân rất phấn khởi. Họ hy vọng sẽ có thêm việc làm, học tập những mô hình sản xuất tiên tiến. Thế nhưng, đã hơn 3 năm mà chưa thấy động tĩnh gì, không ít người tỏ ra hoài nghi dự án. Đối với chính quyền địa phương, dự án kéo dài mà không thực hiện đền bù cũng ảnh hưởng không ít trong công tác quản lý, rất khó ngăn cản người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Do vậy chúng tôi rất mong muốn dự án xác định diện tích thu hồi, sớm triển khai đầu tư để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân.
NHỮNG TÍN HIỆU MỚI
Mặc dù KNNADCNC chưa thực hiện đầu tư hạ tầng song cũng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến. Bên cạnh trại thực nghiệm giống cây trồng của Sở KH-CN đã có từ trước, gần đây cơ sở chăn nuôi gà đẻ theo công nghệ tiên tiến của Thái Lan của DNTN Đồng Lợi đã đi vào hoạt động có hiệu quả và đang lập dự án mở rộng quy mô nuôi 200.000 con/năm. Ngoài ra, còn có một số dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư vào đây như Khu nông nghiệp kỹ thuật cao Đài Loan của Công ty TNHH Phát triển nông kiến KUAN- LIEN (100% vốn nước ngoài); dự án trồng trọt và chế biến sản phẩm nông nghiệp của Công ty TNHH Hồng Hà; dự án liên hiệp trồng cỏ, nuôi bò, lấy phân và cỏ sản xuất khí biogas để chạy máy phát điện có công suất 50MW của Công ty CP liên doanh Yên Phú…
Cơ sở nhân giống cây trồng theo công nghệ cấy mô của Trạm thực nghiệm trong khu nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: N.T
NHỮNG BẤT CẬP CẦN SỚM THÁO GỠ
Khi các nhà đầu tư đăng ký vào KNNADCNC, dự án cũng bộc lộ những điều bất cập. Dự án được lập ban đầu không tính đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, hơn nữa đơn giá xây dựng không còn phù hợp với thời điểm hiện nay nên chủ đầu tư đã xin điều chỉnh bổ sung nội dung thực hiện dự án và được UBND tỉnh phê tại Quyết định 55/2008/QĐ-UB vào ngày 8/1 vừa qua. Tổng vốn đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 64,9 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 27,8 tỉ đồng, đền bù và chi phí khác hơn 34 tỉ đồng. Ông Hồ Văn Tùng cho biết: Theo Quyết định số 55 của UBND tỉnh thì thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2008 đến năm 2012, nghĩa là mỗi năm cần vốn đầu tư 13 tỉ đồng, thế nhưng năm nay, tỉnh mới ghi kế hoạch phân bổ 2 tỉ đồng thì việc đầu tư hạ tầng sẽ rất hạn chế. Chúng tôi đang triển khai đấu thầu xây dựng 1 cầu bê tông cốt thép, 1 km đường chính và 4 tuyến đường nhánh dài 3,2 km với tổng mức đầu tư 3,2 tỉ đồng; đó là chưa kể cần 1 tỉ đồng để đền bù phần đất đai thu hồi cho xây dựng hạ tầng.
Công ty TNHH Phát triển nông kiến KUAN- LIEN cũng tỏ ra “nóng ruột” không kém trước sự chậm chạp của địa phương. Nhà đầu tư đến từ Đài Loan này đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006. Ban quản lý dự án KNNADCNC phối hợp với UBND huyện Phú Hòa lập phương án đền bù giải tỏa trên diện tích 98,3 ha để giao cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng chấp nhận phương án ứng trước tiền thuê đất cho tỉnh để chi trả đền bù cho dân. Tại buổi làm việc với các ngành của tỉnh và huyện Phú Hòa vào ngày 8/11/2007, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh kết luận: Trước ngày 1/2/2008 phải hoàn tất việc đền bù, giải tỏa mặt bằng giao cho nhà đầu tư tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai xây dựng. Tuy nhiên đến nay phương án đền bù vẫn chưa được phê duyệt và cũng chưa xác định được giá cho thuê đất.
Một điều cũng cần nói, KNNADCNC là mô hình mới, trong khi đó Ban quản lý dự án chỉ có chức năng giúp sở KH-CN thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp nên thiếu kinh nghiệm công tác giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư và còn lệ thuộc vào các ngành của tỉnh. Do vậy, để tăng cường thu hút đầu tư theo cơ chế “một cửa” cần “nâng cấp” Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KNNADCNC đủ mạnh, có thểø hoạt động như mô hình của Ban quản lý khu công nghiệp.
Theo Quyết định số 3066/QĐ-UB của UBND tỉnh ngày 26/10/2004, dự án có tổng mức đầu tư 21.770 triệu đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 17.237,5 triệu đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống giao thông dài 11,5 km; hệ thống cấp thoát nước, trong đó có hồ chứa nước 200.000 m3, kênh mương tưới tiêu dài 10.400m, trạm bơm và cụm xử lý nước sạch 120 m3/g, đường ống cấp nước dài 7.300m; hệ thống điện gồm 6 trạm biến áp có công suất 1.800kw và 8 km đường dây; xây dựng khu quản lý trung tâm, có nhà điều hành với diện tích sàn 210 m2 và trồng cây xanh trên vỉa hè.
NGUYÊN TRƯỜNG