15 năm trước, gia đình ông Đặng Đệ là một trong những gia đình thuộc diện nghèo khó nhất làng Phú Sơn, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An). Bằng ý chí và nghị lực, ông đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình trở nên khá giả và được người dân đặt cho biệt danh là “kỹ sư nuôi tôm sú” của làng.
Ông Ba Đệ trên hồ nuôi tôm sú - Ảnh: TRUNG HIẾU |
“KỸ SƯ NUÔI TÔM SÚ”
Năm 2002, con tôm sú nuôi ở làng Phú Sơn và Phú Lương bị đóng rong, đen mang, nhiều hộ dùng thuốc chữa trị nhưng tôm vẫn chết. Chính Ba Đệ là người đã bày cho bà con cách cứu tôm. Ông đến những hồ tôm bị dịch bệnh, bắt tôm lên xem rồi nói: “Nếu không cho xi phong đáy hồ và dùng thuốc samonin để kích cho tôm lột xác thì tôm sẽ chết sạch”. Nhờ những kinh nghiệm của ông mà tôm sú thoát khỏi dịch bệnh, dân làng “trúng đậm”. Từ đó ông được người dân ở đây đặt cho biệt danh “kỹ sư nuôi tôm sú”.
Thật ra “kỹ sư nuôi tôm sú” chưa bao giờ được đào tạo về kỹ thuật nuôi tôm. Những kinh nghiệm mà ông có được là nhờ hơn 10 năm lặn bắt tôm sú ở đầm Ô Loan về bán và cũng đã trải qua 13 năm nuôi tôm sú. Ông Đệ nói: “Giờ chỉ cần bắt con tôm, nhìn màu vỏ là tôi biết con tôm đó sống ở vùng đầm nào và có bệnh hay không”. Về kinh nghiệm nuôi tôm sú, ông Đệ “phán” một câu chắc nịch: “Từ khi nuôi tôm sú đến nay, tôi chưa một lần thất bại khi tôm bệnh. Tôi chỉ sợ tôm rớt giá và nước lớn vỡ bờ, tôm theo ra đầm thôi”.
Ông Đặng Đệ đã truyền đạt kinh nghiệm của mình cho bà con nuôi tôm ở Phú Sơn, nhiều người đã ăn nên làm ra với nghề này. Gia đình ông Mai Trọng Thuyết là một trong những gia đình phất lên từ con tôm sú. Ông Thuyết nói: “Nhờ kinh nghiệm nuôi tôm của Ba Đệ truyền lại mà hằng năm gia đình tôi thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng. Đầu năm nay, tôi đã thả 20 vạn con tôm sú giống xuống hồ”.
THOÁT NGHÈO NHỜ CON TÔM SÚ
Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, vợ chồng ông Đệ từng đi lặn bắt tôm, ghẹ, cua… và đan lưới thả cá sống qua ngày. Trong những năm tháng lặn bắt ở đầm Ô Loan, ông thấy có rất nhiều tôm sú nảy ra ý định nuôi tôm. Đến năm 1994, khi tỉnh khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản, vợ chồng ông xin được một miếng đất khoảng 5000m2 ở gần đầm rồi bỏ công ra đào hồ khoảng 1000m2 để nuôi tôm. Không có tiền mua tôm giống, vợ chồng ông ra đầm lặn bắt tôm, con lớn đem bán mua gạo còn tôm nhỏ thả nuôi. Qua bốn tháng vợ chồng ông có được vài triệu đồng, vay thêm ngân hàng được ba triệu rồi bỏ tiền thuê nhân công đào tiếp 1000m2. Cứ thế đến năm 2001, 5000m2 đất trở thành hồ nuôi tôm. Không dừng lại, vợ chồng ông còn mua thêm đất để mở rộng diện tích hồ. Đến nay, vợ chồng ông có hai hồ nuôi tôm sú với tổng diện tích 9000m2. Đầu năm 2008, vợ chồng ông thả được 2,5 vạn con tôm thịt và 10 vạn con tôm giống (P15). Với nghề nuôi tôm, hằng năm vợ chồng ông Ba Đệ thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng, không những đủ tiền trả nợ mà còn xây dựng nhà cửa khang trang, con cái người nào cũng có cuộc sống ổn định.
TRUNG HIẾU