Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên liên tục gặp rủi ro dịch bệnh và môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, cụ thể nhất là tình hình tôm hùm bệnh kéo dài trong năm 2007, đã làm cho sản lượng và chất lượng sản phẩm nuôi trồng giảm một cách rõ rệt (năm 2005 sản lượng thu hoạch tôm hùm: 750 tấn, năm 2007 giảm còn 461 tấn). Xuất phát từ thực tế nuôi trồng thủy sản trong những năm qua và yêu cầu phát triển cho những năm tới, công tác nuôi trồng thủy sản tỉnh Phú Yên cần phải được định hướng cụ thể.
Nuôi tôm bằng phương pháp sinh học ở Hòa Hiệp |
Phát triển nuôi trồng thủy sản (PTNTTS) gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi, mà động lực thúc đẩy là kỹ thuật nuôi ghép, nuôi luân canh, xen canh một số đối tượng có giá trị kinh tế và ý nghĩa môi trường. Bên cạnh đó, PTNTTS gắn với phát triển kinh tế – xã hội – môi trường của các vùng, các địa phương (nhất là các huyện ven biển), góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các thành phần tham gia nuôi trồng thủy sản. Đây là yếu tố quan trọng để ổn định an ninh lương thực và tiến tới xuất khẩu các mặt hàng nuôi trồng thủy sản có chất lượng, sản lượng ổn định. Ngành Thủy sản cũng tăng cường sử dụng hợp lý, có hiệu quả các loại mặt nước, ưu tiên nuôi biển, nuôi mặt nước lớn trên các hồ chứa. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế: kinh tế hợp tác, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hộ gia đình đầu tư vào nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, tạo ra nhiều nguồn cung cấp nguyên liệu lớn, ổn định cho chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trên cơ sở các định hướng trên, mục tiêu của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tỉnh Phú Yên từ nay đến năm 2010 được xác định như sau: sản lượng nuôi trồng đạt 22.800 tấn, tăng trưởng bình quân hàng năm 54,6%.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh phải thực hiện hàng loạt các giải pháp:
Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên không làm ồ ạt theo kiểu phong trào như thời gian vừa qua mà phải có định hướng của chính quyền từng huyện, xã và các cơ quan hữu quan, trên cơ sở tính toán kỹ các yếu tố kinh tế – kỹ thuật – môi trường. Trước mắt, phải sớm quy hoạch lại các diện tích có khả năng thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sản xuất thích hợp. Quy hoạch không phải chỉ là mở thêm nhiều diện tích thâm canh cho con tôm mà quan trọng hơn là phải phù hợp với khả năng và điều kiện để chuyển đổi sản xuất ổn định hơn, hiệu quả hơn. Về lâu dài, ổn định phát triển sản xuất nuôi trồng ở các khu đã được quy hoạch tập trung như vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch...
Gi ải quyết tốt khâu giống cho nuôi trồng thủy sản: Kiện toàn các khu sản xuất giống tập trung như Hòa Hiệp Trung – Đông Hòa, Xuân Hải – Sông Cầu..., xây dựng mới trại giống nước ngọt tại Hòa Định Đông – Phú Hòa, kết hợp có chọn lọc các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, nhằm đa dạng hóa các loại giống nuôi trồng và đảm bảo về chất cũng như về lượng giống thủy sản để cung cấp cho người nuôi.
Đảm bảo thức ăn cho nuôi trồng thủy sản: Xu hướng chung là nên dùng thức ăn công nghiệp cho các hình thức nuôi, thu hẹp dần việc sử dụng thức ăn tươi sống dễ gây ô nhiễm môi trường. Trước xu hướng đó, nhu cầu thức ăn công nghiệp sẽ tăng nhanh chóng, vì vậy cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập thức ăn của các đại lý trên toàn tỉnh để tránh nhập phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phấn đấu đến năm 2010, Phú Yên cần xây dựng hai nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp để nuôi trồng thủy sản.
Làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh: Xây dựng vùng nuôi an toàn, triển khai thực hiện quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, xây dựng kế hoạch phòng trừ dịch bệnh ngay từ đầu, tức là phải thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như chuẩn bị ao nuôi, cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi, chuẩn bị nước nuôi, sát trùng con giống...
Làm tốt công tác khuyến ngư: Trang bị đầy đủ cho các thành phần tham gia nuôi trồng thủy sản về kiến thức nuôi trồng thủy sản bền vững và sơ chế bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Tiếp tục nâng cấp và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy khuyến ngư từ tỉnh đến huyện, xã.
Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, đa dạng hóa các loài nuôi: Xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng, các tổ tự quản, câu lạc bộ, chi hội nuôi trồng thủy sản, hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ... cùng quản lý, sản xuất, kiểm soát vùng nuôi thông qua quy chế.
Nhà nước cần hỗ trợ gián tiếp cho nuôi trồng thủy sản thông qua các hoạt động như xây dựng đường sá, điện nước, các công trình thủy lợi, khuyến ngư, nghiên cứu khoa học để thúc đẩy sự phát triển.
NGUYỄN MINH PHÁT