Gần hai tuần qua, trong khi giá mua mía, sắn tại các nhà máy tăng thì tại ruộng giá các loại nông sản này lại giảm đột ngột. Nguyên nhân của nghịch lý trên là giá mua nguyên liệu của các nhà máy tăng nhưng vẫn không bù được chi phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng mạnh. Chính vì thế, nhà xe gây sức ép, buộc các đại lý tăng giá cước. Trước tình hình đó, các đại lý hạ giá mua nông sản để bù vào chi phí vận chuyển. Và nông dân, những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra củ sắn, cây mía…là những người chịu thiệt thòi nhất.
Nông dân xã An Hiệp (Tuy An) thu hoạch mía - Ảnh: KIM SA |
Ngày 1/3, giá mua nguyên liệu sắn của Công ty Cổ phần tinh bột sắn Fococev tăng từ 1.050 đồng lên 1.080 đồng/kg, còn Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân tăng từ 1.230 đồng lên 1.250 đồng/kg. Đây là giá mua cao nhất từ trước nay của các nhà máy. Vậy mà lại xảy ra chuyện ngược đời: Các đại lý mua sắn củ của nông dân đột ngột giảm giá, khiến nhiều người trồng sắn như ngồi trên đống lửa. Ông Nguyễn Ngọc Huệ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), than thở: “Trước tết, đại lý liên hệ mua sắn củ với giá 1.000 đồng/kg, nay chỉ còn 890 đồng/kg”.
Xăng dầu tăng giá mạnh, các chủ xe đồng loạt tăng giá cước khi hợp đồng vận chuyển cho các đại lý, vì thế đại lý hạ giá mua nông sản xuống để bù vào chi phí vận chuyển. Ông Nguyễn Văn Tự, một đại lý sắn ở xã Sơn Định cho biết: “Thời điểm này, nông dân khẩn trương thu hoạch sắn. Xe chở đến nhà máy phải xếp hàng chờ 2-3 ngày mới lên được bàn cân, hao hụt là không tránh khỏi. Phải tính kỹ mới mua”. Theo ông Tự, “tính kỹ” nghĩa là mua với giá thấp mới không bị lỗ, trong khi giá xăng dầu đã tăng mạnh.
Tuần qua, tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, bình quân một ngày có đến 150 chiếc xe tải ở Gia Lai, Bình Định chở sắn xếp hàng chờ trước cổng. “Giá mua sắn củ của nhà máy này nhích hơn nhà máy ở Bình Định nên đại lý liên hệ tôi vận chuyển vào. Đến nơi thấy xe đông nghịt, xe tôi nằm chờ hai ngày một đêm rồi.” Ông Lê Văn Thu, một chủ xe ở Tây Sơn (tỉnh Bình Định) nói vậy.
Trao đổi với chúng tôi về nghịch lý giá mua tại nhà máy tăng, giá ngoài ruộng giảm, ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân nói: “Xăng dầu tăng giá, nhà máy tăng giá mua nguyên liệu, còn cước vận chuyển tùy thuộc vào đại lý mua và chủ xe vận chuyển.” Nghĩa là nông dân - chẳng những không được hưởng lợi từ việc tăng giá mua nguyên liệu của nhà máy mà còn chịu thiệt thòi nhiều, do việc tăng giá xăng dầu. Và không chỉ những người trồng sắn mà dân trồng mía cũng lâm vào cảnh tương tự.
Sắn nguyên liệu tập trung tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Cuối tháng 2, Nhà máy đường KCP thay đổi cách thức mua nguyên liệu cho vụ ép 2007-2008. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình mía đường đang xáo trộn vì hiện tại, ở một địa bàn thôn, nhà máy chỉ hợp đồng một xe vận chuyển, do đó dẫn đến độc quyền, nhà xe và đại lý liên kết ép giá nông dân… Ông Lê Văn Đông ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) ngao ngán: “Tôi với đại lý thống nhất giá cả và thời gian chặt mía, khi thu hoạch xong gọi đại lý đến chở thì đại lý bảo chờ xe. Bỏ mía hai ngày, đại lý đến hạ giá xuống. Sau một hồi cãi vã, cuối cùng mình đành bán”.
Trên địa bàn huyện Đồng Xuân, sau khi thu hoạch xong, nông dân tập trung mía lại cho đủ chuyến xe rồi liên hệ với nhà máy để họ điều xe, như vậy mới bán được nông sản đúng theo giá niêm yết. Còn nếu trồng manh mún, không đủ chuyến xe thì sẽ bị ép giá xuống từ 30-40 ngàn đồng/tấn.
Nhiều nông dân trồng sắn, mía ở huyện Phú Hòa tính toán: Chi phí đầu tư tất tần tật đều tăng, trong khi đó giá mua nông sản tại gò sắn, ruộng mía lại giảm. Với giá như hiện nay, nông dân khó có thể trả cho đại lý tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người tính nợ gối đầu đến vụ sau. Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Phòng Kinh tế huyện Phú Hòa cho biết: “Nông dân đang bức xúc trước việc đại lý ép giá sắn, mía để bù vào chi phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng. Nhà máy và các cơ quan chức năng cần có biện pháp can thiệp kịp thời để giúp bà con có thu nhập”.
MẠNH HOÀI