Cùng với trâu bò, hiện nay đàn heo trên địa bàn Phú Yên đang giảm mạnh. Trong khi đó, việc phát triển đàn trở lại đang gặp khó khăn do nguồn con giống khan hiếm. Tình trạng này đã đẩy giá heo giống thương phẩm tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Thế nhưng, đến nay, một chương trình sản xuất heo giống đủ mạnh vẫn chưa được hình thành, và nhiều nông dân dù muốn nuôi heo nhưng đành để chuồng trống.
Thương lái mua gom heo chở vào các thành phố lớn - Ảnh: LY KHA
ĐỎ MẮT TÌM CON GIỐNG
Kết quả thống kê đến tháng 10/2007 toàn tỉnh có hơn 129.000 con heo (chưa kể heo sữa) nhưng đến nay, đàn heo trong tỉnh thuộc diện tiêm phòng chỉ còn hơn 39.000 con, bằng khoảng 1/3 so với mọi năm. Những tháng cuối năm 2007 đầu năm 2008, giá heo thịt thương phẩm tăng cao nhưng người chăn nuôi Phú Yên gặp khó khăn trong việc phát triển đàn trở lại do con giống quá hiếm. Hiện giá heo giống đã tăng lên mức 39.000-40.000đồng/kg, gấp 2 lần so với mức bình quân một năm trước. Một nông dân muốn nuôi heo, ngoài chi phí thức ăn, chuồng trại, họ phải chi khoảng 1 triệu để mua một con heo con, điều mà chỉ một năm trước đây không ai có thể ngờ tới.
Giá heo giống tăng cao nhưng người chăn nuôi Phú Yên không tìm ra giống để mua do thương lái mua gom phần lớn heo sữa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ông Lê Văn Thơ, một nông dân chuyên nuôi heo thịt ở Hòa Trị, huyện Phú Hòa nói: “Giá cao là một chuyện, chúng tôi mua cũng không ra. Biết nhà nào có heo là dặn trước, không thì con buôn bắt hết đi Sài Gòn. Một con heo con 25 kg giá đến 1 triệu đồng, rất căng”.
Nhiều người đỏ mắt tìm mua giống để nuôi lại sau khi bán hết lứa heo trước tết, nhưng đành về tay không và bỏ chuồng trống. Nhiều hộ trước đây nuôi từ 6-10 con nay giảm còn 3-4 con. Do giá heo thương phẩm tăng, nhiều hộ nuôi heo nái có xu hướng khép kín bằng cách cho nái đẻ và sử dụng giống nuôi thịt. Nếu có bán, họ cũng chỉ bán cho anh em thân thiết. Ông Lê Văn Thơ cho biết, những người chăn nuôi mong muốn tỉnh sớm xây dựng một trung tâm giống đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp để cung cấp cho nông dân.
KHI NÀO PHÚ YÊN CÓ ĐỦ HEO GIỐNG?
Trong khi nguồn heo giống trong tỉnh rất khan hiếm, người dân rất khó khăn trong việc tìm con giống để phát triển đàn heo trở lại thì dự án xây dựng trung tâm giống heo tại Phú Yên vẫn chưa thể triển khai. Chương trình này đã được tỉnh đồng ý về chủ trương xây dựng với vốn đầu tư dự kiến khoảng 5 tỉ đồng, qui mô 200 heo nái giống siêu nạc. Tuy nhiên mặt bằng tại trại heo giống Hòa Thắng rất chật hẹp, lại nằm trong khu dân cư nên không đáp ứng các yêu cầu phía tư vấn đặt ra. Tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng trại heo giống tại Hòa Quang nhưng hiện nay mặt bằng khu công nghệ này chưa được đầu tư hoàn chỉnh, trong khi nguồn nước tại đây rất khan hiếm và không đảm bảo chất lượng cho việc phát triển heo giống nên tính khả thi thấp. Vậy đâu là những giải pháp trước mắt cho vấn đề phát triển đàn heo? Bà Hà Thị Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên đã chỉ đạo Trung tâm Giống - Kỹ thuật vật nuôi tiến hành điều tra khảo sát lại toàn bộ những con nái giống đủ tiêu chuẩn, vận động bà con tổ chức sản xuất giống; công bố tiêu chuẩn giống để bà con có thể sản xuất heo giống và cung ứng tại địa phương trước mắt”.
Thực tế cho thấy, những năm qua, trung tâm trên chỉ đủ khả năng cung cấp 100 - 200 con heo giống và trên dưới 5000 liều tinh mỗi năm cho người chăn nuôi địa phương, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Trong khi năng lực hạn chế, dự án mới chưa thể triển khai trong nay mai, giải pháp liên kết các nhóm hộ chăn nuôi để hình thành những vùng heo giống chủ lực được các nhà quản lý và chuyên môn xem là khả thi nhất. Bà Hà Thị Sương khẳng định: “Về lâu dài, tỉnh phải tổ chức lại công tác giống, phải tự chủ được nguồn giống tại chỗ, không chỉ giống heo mà nhiều giống vật nuôi chủ lực khác. Có thể vận động vài chục hộ hay 100, 200 hộ, mỗi hộ nuôi từ 10 đến 20 con nái, dưới sự hướng dẫn, quản lý của trung tâm. Từ nguồn giống này, đánh giá nhu cầu thực tế, xác định số lượng heo giống và chủng loại cần nhập để sản xuất, trung tâm sẽ là đơn vị nhập để quản lý nguồn gốc về giống. Trước mắt, có thể nhập con thương phẩm để sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị của tỉnh chỉ nhập con giống gốc về tỉnh để sản xuất, tiến đến tự chủ về con giống thì may ra nghề chăn nuôi heo mới phát triển ổn định, bền vững. Đó cũng là cách giúp người nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc phát triển chăn nuôi heo, vốn được xem là nghề chính của nhiều nông dân hiện nay”.
LÊ BIẾT