Mặc dù các địa phương ráo riết trợ giúp nông dân khắc phục thiệt hại sản xuất vụ đông xuân do các đợt áp thấp nhiệt đới đầu năm nay gây ra, nhưng nhiều diện tích không thể gieo sạ lại được vì quá chậm với lịch thời vụ, không đảm bảo nước tưới, đành phải bỏ hoang. Nhiều nông dân đang đối mặt với khó khăn trong đời sống do không sản xuất được.
Cánh đồng lúa ở xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) bị ngập nước trong đợt áp thấp nhiệt đới đầu năm 2008 - Ảnh: HOÀI |
HÀNG NGÀN HA RUỘNG BỎ HOANG
Anh Nguyễn Ngọc Quý ở đội 1, thôn Ân Niên, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) than thở: “Cả 3 ha lúa của tôi sạ lần hai rồi vẫn bị ngập úng nhiều ngày nên mất trắng”. Không chỉ anh Quý, hàng loạt hộ dân thôn Ân Niên cũng chịu chung cảnh ngộ phải bỏ đồng vụ này. Toàn huyện Phú Hòa có tới 1.200ha bị hư hại không thể sạ lại được.
Bà Hồ Thị Hiền ở thôn Thạch Tuân 1, xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) có 3 ha ruộng ở đồng Bầu Giữa, sạ lại 2 lần nhưng bây giờ những thửa ruộng của bà tiếp tục trơ đất trống. Bà than thở: “Nhà tôi nuôi 3 đứa con học đại học nhờ vào 3 ha ruộng, nay không gieo sạ lại được. Sắp tới không biết xoay xở đâu ra tiền để gởi cho tụi nhỏ”. Toàn huyện Đông Hòa, theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, có đến hơn 1.043 ha lúa đông xuân phải bỏ hoang sau khi bị ngập úng bởi hai đợt áp thấp nhiệt đới và mưa lớn trước Tết Nguyên đán. Đó là chưa tính hàng trăm ha bị hư hại từ 20-50%.
Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa Nguyễn Thị Lơn cho biết: Chưa bao giờ lúa đông xuân lại rơi vào tình cảnh như năm nay. TP Tuy Hòa có tới 90 ha bị hư hại không thể khắc phục được nữa. Trong những đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, toàn thành phố có tới 1.977,5ha/2.067,5ha bị hư hại. Trong đó, hư hại từ 70 – 100% có tới 363,4ha; 453,4ha bị hư hại từ 50 – 70%. Diện tích sạ lại được chỉ là 172,9ha; 90ha hiện đang bỏ trống.
Xã An Cư (huyện Tuy An) có 286ha lúa, hầu hết đều bị thiệt hại. Trong khi đó, quãng thời gian từ 2 – 7/2 thông thường triều cường xuất hiện nên nông dân không dám tiếp tục sạ. Sau khoảng thời gian này thì lịch thời vụ đã quá trễ nên bà con đành bỏ hoang.
Bên cạnh đó, hàng trăm ha sắn, bông vải ở Đồng Xuân, Tuy An… cũng bị nước mưa gây ngập nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
NÔNG DÂN CẦN GIÚP ĐỠ
Để khắc phục thiệt hại, nhiều địa phương đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi loại cây trồng phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Đi đầu là huyện Đồng Xuân, đã chuyển đổi một số diện tích trồng lúa khá lớn sang trồng ngô lai. Ngô sắp trổ, sẽ cho thu hoạch trong thời gian tới. Huyện Đông Hòa mới đây cũng đã khuyến cáo người dân chuyển chủng loại cây trồng từ lúa sang ngô đối với những chân ruộng không thể sạ lại lúa. Ngô là loại cây cần rất ít nước, và theo dự báo, sau đợt mưa kéo dài sẽ là khô hạn nặng, nên chủ trương trên tỏ ra phù hợp. Do đó, cần tập trung hỗ trợ giống ngô cho nông dân thay vì giống lúa như kế hoạch trước đây…
Nghề nông chỉ trông vào đám ruộng, nhưng nay ruộng bỏ hoang, bà con cầm chắc bị đói do thiếu lương thực. Được biết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn gởi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo giải quyết cứu đói giáp hạt cho nhân dân. Tiêu chí cứu đói giáp hạt đợt này là hộ gia đình bị mất mùa, thất thu lâm vào thiếu đói giáp hạt; hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình thuộc diện khó khăn về kinh tế; thời gian cứu đói từ 1 đến 3 tháng, mức cứu đói 15 kg/người/tháng.q
LY KHA – HOÀI