Krông Pa nằm ở phía tây cửa ngõ Phú Yên giáp ranh với tỉnh Gia Lai, là một trong những xã dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hòa. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, đồng bào dân tộc Ê đê nơi đây đã đổi mới cách nghĩ cách làm, từng bước đưa cuộc sống đi lên.
|
Làm đường bê tông ở Krông Pa – Ảnh: N.TRƯỜNG |
Toàn xã có 513 hộ gần 2.770 nhân khẩu, đại bộ phận là đồng bào Ê đê. Những năm trước năm 2000, Krông Pa có đến hơn 250 hộ nghèo đói, chiếm trên 50% tổng số hộ toàn xã.
Kể từ khi có Chương trình 135 của Chính phủ, Krông Pa được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và bà con được hướng dẫn cách làm ăn. Trước kia buôn làng sống không tập trung, nhiều buôn ở trong rừng sâu hoặc nằm ven sông Ba. Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện Sơn Hoà lập dự án định canh định cư chuyển toàn bộ ra ở dọc theo Quốc lộ 25. Cả 7 buôn là buôn Khăm, buôn Lé A, buôn Lé B, buôn Học, buôn Chơ, buôn Thu và thôn Phú Sơn đều được định cư. Cùng với việc vận động di dời cũng đồng thời xây dựng các công trình thiết yếu để phục vụ đời sống cho đồng bào.Tổng nguồn vốn đầu tư trong vòng 5 năm qua cho Krông Pa hơn 5,5 tỉ đồng. Trong đó ưu tiên xây dựng các công trình điện, đường giao thông, trường học, giếng nước, trạm xá xã, bưu điện văn hoá. Một số ngành ở tỉnh và các hội đoàn thể cũng lồng ghép nhiều chương trình giúp Krông Pa từng bước đi lên ổn định cuộc sống.
Được Đảng, Nhà nước đầu tư về công tác định canh định cư và sự vận động của các đoàn thể, người dân Krông Pa đã biết trồng nhiều loại cây trồng có giá trị cao. Nếu như trước đây, xã Krông Pa chỉ độc canh cây lúa rẫy thì nay đã có trên 700 ha đất trồng sắn cao sản, 325 ha bắp, 200 ha mía, 732 ha dưa lấy hạt và một số diện tích trồng đậu đỏ. Các loại cây này được trồng xen canh tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho bà con. Chị Võ Thị Nở ở Phú Sơn trước đây là hộ nghèo, phải đi làm thuê kiếm sống, nay đã có bò, có đất sản xuất, nhờ vốn vay Hội phụ nữ, mà gia đình đã thoát nghèo. Rồi hai gia đình Mí Pha và Mí Ối ở buôn Lé B cách đây 2 năm còn trong diện hộ nghèo, nay đã trở nên giàu có. Hai chị vừa hùn vốn mua chiếc máy cày hơn 20 triệu đồng. Các nguồn vốn vay tín chấp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, nguồn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nguồn hỗ trợ khuyến nông khuyến lâm… đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở Krông Pa có vốn làm ăn dần dần ổn định cuộc sống.
Già làng Oi Rí ở buôn Lé B, rất vui mừng khi thấy buôn làng đổi mới. “Cái thời Pháp, Mỹ đói lắm phải lên rừng đào củ nần ăn, ai sống được thì sống không thì chết thôi, ở trong rừng xa kia tối tăm lắm, bệnh đau không có thuốc men như bây giờ đâu. Bây giờ Nhà nước làm đường, làm điện làm cả nhà cho bà con ở nữa. Nhà tôi, làng tôi biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cuộc sống hôm nay…”. Ánh sáng điện, ánh sáng văn hoá đã về tận các buôn làng ở Krông Pa. Bên dưới những ngôi nhà sàn không còn tình trạng nhốt heo, bò như trước, đường làng, ngõ xóm phong quang. Con em đến trường ngày một đông hơn. Trung tâm xã Krông Pa là thôn Phú Sơn có nhiều người dưới xuôi lên lập nghiệp. Hai bên đường đã xuất hiện nhiều ngôi nhà xây kiên cố xen kẽ giữa những ngôi nhà sàn truyền thống, hình thành một thị tứ khá nhộn nhịp.
Tuy nhiên, Krông Pa vẫn còn nhiều khó khăn. Những cây trồng chính như sắn, mía, đã thu hoạch, nhưng sắp tới sẽ không thể thâm canh cây trồng gì khác hơn nếu trời không cho mưa. Người dân Krông Pa đang trông chờ khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành sẽ có điều kiện thực hiện công trình thủy lợi tưới cho khoảng 300ha đất làm lúa nước tại vùng đất phía nam xã. Huyện Sơn Hòa cũng đang đề nghị Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 xây dựng một con đường từ trung tâm xã đến buôn Khăm cũ để khai thác vùng đất còn bỏ hoang.
TRÌNH KẾ – LY KHA