Thứ Ba, 01/10/2024 11:12 SA
Phó Giám đốc Sở Thủy sản Chế Bá Hùng:
“Tập trung mọi nguồn lực để khôi phục và đầu tư phát triển toàn diện nuôi trồng thủy sản”
Thứ Ba, 26/02/2008 10:02 SA

Với phương châm “Lấy nuôi trồng để khai thác”, ngành thủy sản đã đầu tư mạnh nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng thâm canh đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm tăng năng suất và lợi ích kinh tế ổn định và bền vững.

 

080226-TU-HAI1.jpg

Một cơ sở sản xuất tôm giống ở phường 9 (TP Tuy Hòa) đã phải sản xuất tảo để làm thức ăn cho các loại hải sản khác - Ảnh: N.L

 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình NTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt dịch bệnh tôm sú, tôm hùm... liên tục xảy ra gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Vậy đâu là giải pháp để khắc phục dịch bệnh, sớm khôi phục và đầu tư phát triển NTTS? Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Chế Bá Hùng cho biết:

 

- Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05/TU của Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, trong năm 2008, ngành thủy sản và các địa phương tích cực đầu tư toàn diện về NTTS. Cụ thể, ngành thủy sản huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư hạ tầng các vùng NTTS; chuyển dịch cơ cấu NTTS theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi hiệu quả và bền vững, phấn đấu năm 2008 đạt tổng sản lượng NTTS trên 4.000 tấn. Để đạt kết quả này, công tác kiểm dịch giống, quản lý thức ăn và thuốc thú y thủy sản; quản lý việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong NTTS sẽ được chú trọng. Ngành cũng xây dựng vùng nuôi an toàn (CoC), triển khai thực hiện quy phạm thực hành NTTS tốt (GAP) và thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm cạnh tranh và hội nhập.

 

Ngành tạo điều kiện, giúp đỡ các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện tốt các dự án phát triển NTTS để khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước ở các địa phương; tiếp tục đầu tư hoàn thành một số hạng mục còn lại của dự án hạ tầng và chỉnh trang vùng NTTS đầm Ô Loan; thi công trại giống nước ngọt thuộc dự án Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (giai đoạn 2); xin chủ trương đầu tư dự án khu bảo tồn loài và sinh cảnh thủy sản đầm Ô Loan; trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng phục vụ NTTS lồng bè trên biển An Hải (huyện Tuy An)… Đặc biệt, ngành chú trọng công tác quy hoạch vùng nuôi, kiểm tra ngăn chặn tình trạng phát triển NTTS tự phát làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.

 

* Ông có thể cho biết cụ thể các giải pháp ngăn chặn tình hình dịch bệnh tôm sú, tôm hùm phát sinh, chính sách đầu tư sớm khôi phục và phát triển nghề nuôi tôm sú, tôm hùm?

 

- Theo tôi, để ngăn chặn dịch bệnh và khôi phục nghề nuôi tôm sú, ngành thủy sản và các địa phương ven biển tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi. Trên cơ sở đó vận động bà con cộng đồng bảo vệ môi trường, cải tạo ao nuôi, áp dụng kỹ thuật nuôi hiện đại để đạt năng suất, sản lượng cao. Ngành thủy sản tăng cường kiểm dịch nguồn giống tôm sú đảm bảo không nhiễm mầm bệnh trước khi thả nuôi; thông tin cho ngư dân về mật độ nuôi, thời vụ… Ngành ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho bà con đầu tư khôi phục và phát triển nuôi tôm sú.

 

Trong thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu thủy sản 3 Nha Trang để kiểm tra bệnh tôm hùm và hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng ngừa. Nhờ vậy, hiện nay, tình hình bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng ở ven biển giảm hẳn. Để ngăn chặn triệt để bệnh tôm hùm, ngành thủy sản đang vận động bà con xử lý môi trường, vệ sinh lồng nuôi, di chuyển bè nuôi khỏi vùng ô nhiễm; đồng thời cấp phát miễn phí cho ngư dân 150 CD về kỹ thuật phòng trị bệnh sữa ở tôm hùm. Về lâu dài, ngành thủy sản phối hợp với các địa phương quy hoạch lại các vùng nuôi bè tôm hùm trên biển ổn định.

 

* Ngành thủy sản làm gì để phát triển nuôi đa dạng hóa các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, thưa ông?

 

- Phát triển quy mô diện tích và nuôi đa dạng hóa các loài thủy sản có giá trị, nhằm tăng thu nhập kinh tế cho dân là mục tiêu lớn của ngành thủy sản. Do vậy, ngành ưu tiên đầu tư phát triển các dự án sản xuất giống mới và nuôi thương phẩm theo quy mô công nghiệp; thực hiện các mô hình nuôi ghép, nuôi xen canh, luân canh, nuôi lồng bè trên hồ thủy điện, thủy lợi Sông Hinh, Đồng Tròn, Phú Xuân…

 

Hiện nghề nuôi các đối tượng khác có nhiều chuyển biến tích cực, như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá mú, ốc hương, ghẹ lột, cá bớp, cá giò, cá thác lác cườm, cua, cá bống, cá măng, tu hài, điêu hồng, cá bống tượng… Ngành thủy sản tăng cường công tác khuyến ngư, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào NTTS, nhằm đưa tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt trên 35.000 tấn vào năm 2020. Hiện Trạm thực nghiệm NTTS Hòa Định Đông đang thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa; mô hình nuôi cá lóc, chép, điêu hồng…, nhằm giúp bà con trực tiếp tham quan, học tập kỹ thuật nuôi đạt hiệu quả cao. Năm 2008, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 100 triệu cho hộ nghèo phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt ở miền núi.

 

Ngành thủy sản khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các vùng chuyên canh NTTS tập trung ở đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, sông Bình Bá, hạ lưu sông Bàn Thạch… với diện tích thả nuôi tăng bình quân 2%/năm. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân với 100% vốn nước ngoài đã đầu tư NTTS ở ven biển trong tỉnh, như doanh nghiệp của Nga, Hiệp hội NTTS Đài Loan… Đây là cơ hội để người dân có điều kiện học tập, áp dụng kỹ thuật NTTS hiện đại của người nước ngoài một cách có hiệu quả.

 

NGUYÊN LƯU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek