Dân gian thường có câu “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Chúng tôi quyết định làm một cuộc “mục sở thị” đến một số hộ nghèo khó, nhưng chăm chỉ làm ăn, được chính quyền giúp đỡ vay vốn ngân hàng. Tháng ngày tần tảo, họ đã vượt ngưỡng hộ nghèo và có của ăn của để. Thì ra nhà trống cũng lưu được “gió” bởi con số trên 3.100 hộ trên địa bàn tỉnh Phú Yên vượt ngưỡng nghèo trong năm 2007 đã minh chứng cho điều đó.
Mô hình chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Phước cho thu nhập 15 triệu đồng/năm - Ảnh: Đ.N
Trả được sổ hộ nghèo
Ngược lên huyện Đồng Xuân, đi qua những ruộng mía, sắn đang vào vụ thu hoạch, những đàn bò no tròn mới thấy một Đồng Xuân đang bứt phá đi lên từng ngày. Cái đói không còn, cái nghèo chưa hết nhưng cái giàu thì đã lấp lánh trong những ngôi nhà.
Quả thật có đi mới biết, nhiều hộ nghèo và gia đình chính sách ở huyện miền núi này nhờ được sự trợ giúp từ nhiều phía cộng với tính cần cù chịu khó họ đã thoát được nghèo và đang từng bước vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước vừa được xét vượt ngưỡng nghèo phấn khởi cho biết: “Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi heo hướng nạc và vay vốn ưu đãi của ngân hàng mà tôi có được như ngày hôm nay”. Năm 2005, ông Phước được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp vay 8 triệu đồng đầu tư trồng 1 ha mía, 4 sào bắp và nuôi 250 con gà thả vườn. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, khoản thu nhập từ bốn vụ bắp và ba lứa gà trong hai năm qua đủ để ông trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình Còn khoản thu nhập từ 1 vụ mía, ông tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại và được Phòng kinh tế huyện hỗ trợ ba con heo giống hướng nạc nên thu nhập của gia đình ông không dưới 15 triệu đồng/năm.
Hộ ông Phước là một trong 3.100 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Yên được xét vượt ngưỡng nghèo trong năm 2007, trong đó ¾ số hộ vay vốn ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Phú Yên. Điển hình như huyện Sông Hinh đã có 600 hộ thoát nghèo, trong đó có 513 hộ vay vốn của NHCSXH; huyện Đồng Xuân có 579 hộ thoát nghèo, trong đó có 463 hộ vay vốn của NHCSXH; huyện Phú Hòa có 523 hộ thoát nghèo, trong đó có 450 hộ vay vốn của NHCSXH…
Ước mơ làm giàu
Những điển hình nông dân thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi đã khơi dậy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh ở từng ngõ ngách, thôn buôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Cách đây 4 năm gia đình chị Lê Thị Ngân ở thôn Mỹ Bình, xã Sơn Thành (huyện Tây Hòa) còn trong diện nghèo sống qua ngày với ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo. Từ năm 2003 chị được vay 10 triệu đồng đầu tư trồng ba sào tiêu và mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Vậy là tiền mẹ đã đẻ ra lãi con…, đến nay không chỉ trả hết nợ cho ngân hàng, trả sổ hộ nghèo mà còn xây được ngôi nhà mới khang trang. Vừa rồi chị được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. “Số tiền này tôi sẽ đầu tư vào chăn nuôi bò và chăm sóc vườn tiêu. Với qui mô sản xuất, kinh doanh như thế này mỗi năm sẽ cho thu nhập không dưới 20 triệu đồng”.
Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn Phú Yên đạt 489 tỉ đồng, tăng 155,5 tỉ đồng so với năm 2006. Trong đó, vốn đầu tư cho hộ nghèo đạt 336,7 tỉ đồng với 61.604 lượt hộ vay, đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 16,1% xuống còn 14%.
Điểm giao dịch lưu động NHCSXH đặt tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) có rất nhiều hộ dân hồ hởi đến vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Trong đó, đa phần là những hộ đã thoát nghèo nay vay vốn tiếp để đầu tư sản xuất kinh doanh với qui mô lớn hơn. Chị Võ Thị Hương, Tổ trưởng tổ tiết kiệm – vay vốn Chi hội phụ nữ thôn Kiến Thiết cho biết: “Tổ tiết kiệm – vay vốn thu hút 50 hộ phụ nữ nghèo và cận nghèo trong thôn tham gia. Ban đầu chỉ được vay mỗi một chương trình cho vay hộ nghèo nên số tiền không quá 10 triệu đồng/hộ, còn nay đã tăng lên từ 20 - 30 triệu đồng nếu vay đầy đủ các chương trình như xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh – sinh viên… Nhờ đồng vốn ưu đãi này đã có gần 20 hộ phụ nữ nghèo trong tổ vươn lên khá giả”. Chủ tịch UBND xã Ma Mới cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của Ea Chà Rang còn trên 20%. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo đang là gánh nặng của địa phương, các chương trình cho vay ưu đãi mà NHCSXH đang triển khai thực sự là chỗ dựa tin cậy giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo địa phương.
Quang Thuần