Ba năm trước, một đàn chim yến khoảng 40-50 con kéo về “ở trọ” và làm tổ tại một căn nhà ngay trên con đường sầm uất nhất của TP. Tuy Hòa. Đó là gian nhà phía sau dùng để xe của Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên (221-223 Trần Hưng Đạo, phường 4). Đến nay, đàn chim yến ở đây vẫn phát triển bình thường mở ra một triển vọng mới: Nghề nuôi chim yến trong nhà...
Chim yến đang làm tổ trong nhà - Ảnh: T.HÀ |
Kể từ ngày phát hiện ra 50 con chim yến, đến nay, số lượng bầy chim đã lên đến 3.000. Theo anh Hà, nhân viên ở đây “tiết lộ” thì để đàn chim yến phát triển như hiện nay thì ngôi nhà đã được cải tạo lại hoàn toàn trên diện tích sàn nhà 520m2.. Theo đó, tất cả cửa đều bít kín, chỉ chừa một khoảng trống lớn trên cao để chim ra vào, tường vách được sửa chữa lại nhằm tăng độ cách âm… Anh Hà giải thích thêm: “Loài chim yến rất khó nuôi! Muốn giữ chúng phải tạo một không gian phù hợp về độ tối, nhiệt độ, độ ẩm và nhất là tránh tiếng ồn...Vì vậy, để tránh cho chim bỏ đi, công ty đã cải tạo theo hướng xây tổ để dẫn dụ chim”.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên Trần Quốc Bửu thì bộc bạch: Công ty TNHH Yến Việt (Ninh Thuận) đã chuyển giao công nghệ và đầu tư trang thiết bị cho đơn vị, công ty đã cử người tham dự khóa đào tạo kỹ thuật viên nuôi chim yến tại các tỉnh phía Nam và tham quan các ngôi nhà nuôi chim yến ở Khánh Hòa, Ninh Thuận để tìm hiểu mô hình nuôi loài chim quí này. Song song đó, công ty còn quyết định bỏ kinh phí “mua đứt” ngôi nhà này để thực hiện dự án bảo vệ và phát triển đàn chim yến tự nhiên như hiện nay.
Theo Tiến sĩ sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu, trong năm lần đến Phú Yên khảo sát về chim yến tại đây xác định: Đây là loại “yến hàng Amechanus” với sải cánh trung bình 114mm, trọng lượng khoảng 12,6g và có màu rất tối, khó nhìn thấy. Mỗi năm làm tổ 2 lần, khoảng giữa tháng chạp đến Tết Đoan Ngọ. Chu kỳ thu hoạch vào tháng 2 tháng 3 âm lịch và cách một tháng rưỡi thu hoạch lần thứ hai. Đặc tính của đôi vợ chồng yến là con mái cũng như con trống đều có trách nhiệm làm tổ, ấp trứng nuôi con như nhau, khó phân biêït được con nào là trống hay mái…
Cũng theo ông Bửu thì sắp tới, công ty sẽ phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tiến hành khảo sát và thống kê về tình hình chim yến trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở khoa học nhân rộng mô hình nuôi chim trong nhà theo hướng thương phẩm.
Từ xa xưa, Phú Yên đã là đất lành của loài chim yến. Do đó, nghề nuôi chim yến trong nhà hứa hẹn nhiều triển vọng.
VĂN TÀI