Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, song trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) Phú Yên có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp một phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Yên – DN có số thu lớn nhất Phú Yên. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của công ty |
Những năm qua, DN ở Phú Yên phát triển nhanh cả số lượng và qui mô. Đến nay, đã có hơn 1.000 DN được cấp giấy đăng ký kinh doanh, tốc độ tăng bình quân 42%/năm. Các doanh nghiệp đã huy động hơn 3.000 tỉ đồng đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tăng bình quân 39%/năm. Riêng năm 2007 vừa qua, toàn tỉnh thành lập 196 DN, các DN mới thành lập đã huy động 571,9 tỉ đồng đưa vào sản xuất kinh doanh, đạt bình quân 2,9 tỉ/DN, cao gấp nhiều lần so với các DN thành lập những năm trước đây.
Nếu như năm 2002, vốn bình quân của một DN chưa tới 0,5 tỉ đồng, thì năm 2007, đã tăng lên hơn 2 tỉ đồng/DN, riêng các công ty cổ phần có vốn bình quân hơn 10 tỉ đồng/công ty. Nếu so sánh với quy mô vốn của các DN ở Tây Nguyên, thì vốn bình quân sản xuất kinh doanh (SXKD) của một DN Phú Yên gấp 2 lần. Nếu so sánh với các tỉnh Trung bộ thì vốn bình quân của DN Phú Yên đạt mức khá.
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, đến nay, tỉnh Phú Yên đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại DN nhà nước (chỉ còn Công ty Xổ số kiến thiết, đang chờ hướng dẫn chung của Bộ Tài chính). Các DN nhà nước sau khi cổ phần hóa hoặc bán lại cho người lao động cũng thu hút thêm vốn xã hội để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu là các DN như: Công ty TNHH một thành viên Vật tư Tổng hợp (PYGEMACO), Công ty cổ phần PYMEPHARCO, Công ty cổ phần liên doanh bia Sài Gòn- Phú Yên... Bên cạnh đó, nhiều DN tư nhân phát triển nhanh về quy mô như: Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thuận Thảo, Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa, Công ty TNHH Bích Hợp..….
Hoạt động SXKD của các DN Phú Yên ngày càng đa dạng, mở rộng ở tất cả các lĩnh vực. Nếu trước đây hoạt động của các DN chủ yếu ở lĩnh vực thương mại và xây dựng với quy mô nhỏ, thì nay có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, đầu tư hạ tầng kinh doanh dịch vụ. Theo PGs, Ts Đào Duy Huân (Trường Đại học kinh tế TP HCM)- đây chính là một tiêu chí của việc chuyển dịch cơ cấu SXKD theo hướng bền vững của DN và của cả nền kinh tế tỉnh Phú Yên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô vốn và thị trường SXKD của DN tỉnh Phú Yên đã giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động trên địa bàn tỉnh và các nơi có DN Phú Yên đến SXKD, góp phần quyết định trong tăng trưởng GDP của địa phương, làm biến đổi từng bước bộ mặt kinh tế – xã hội tỉnh từ tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa nhỏ sang nền kinh tế thị trường.
“Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, ngành thuế Phú Yên đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ, tư vấn giúp các DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Ngành thuế tiến hành kiểm tra hoàn thuế kịp thời cho các DN; đảm bảo công bằng hợp lý trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Hàng năm, ngành tổ chức tuyên dương các DN tiêu biểu hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế. Nhờ thế, nguồn thu từ các DN bao giờ cũng đạt ở mức cao.
Trong nam 2007, khối DNNN nộp được 155,4 tỷ đồng, đạt 97,7% dự toán TW giao, đạt 96,5% dự toán tỉnh giao, tăng 5% so thực hiện năm 2006. Trong ðĩ, các DNNN Trung ương nộp 30 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán TW giao, đạt 97% dự toán tỉnh giao và bằng 99% so thực hiện năm trước; các DNNN địa phương nộp được 125,3 tỷ, đạt 97,2% dự toán TW giao, đạt 96,4% dự toán tỉnh giao và bằng 106,7% so thực hiện năm trước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp 26,9 tỷ đồng, đạt 117% dự toán năm, bằng 2 lần số thu năm trước.
Những DN có số nộp thuế cao gồm: Cty Cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Yên (79,2 tỷ đồng); Cty Bia-Nước giải khát (34,6 tỷ đồng); Cty TNHH công nghiệp KCP (18,5 tỷ); Cty TNHH 1 thành viên Vật tư Tổng hợp (16,8 tỷ); Cty CP Phú Minh (16,2 tỷ); Cty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (11 tỷ)...
Năm 2008, kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, các DN tiếp tục gặp nhiều thách thức mới, đang cần sự hỗ trợ từ chính quyền và các cơ quan chức năng, trong đó có ngành thuế. Cần xác định: năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DN là một phần quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương. Từ đó, “Phấn đấu xây dựng một số “doanh nghiệp chủ lực để có số thu lớn”, như văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Nhật Nghiêu