Trong những ngày cuối năm, con đường bê tông dẫn vào làng nghề đan đát Vinh Ba tấp nập hơn bởi những chuyến xe chở hàng vào ra nhộn nhịp. Cái tin Vinh Ba là một trong bốn làng nghề vừa được tỉnh công nhận như cú hích mới để làng nghề truyền thống đã tồn tại gần cả trăm năm này ăn nên làm ra.
Làm hàng thủ công mỹ nghệ – PV
Xưa có câu ca “Vinh Ba đan cót đan gàu - Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong...”, nhưng Vinh Ba bây giờ không còn “đan cót đan gàu” nữa mà đang phát triển theo hướng của làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Xuất phát là làng nghề đan đát những sản phẩm truyền thống phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như thúng, nia, dừng, sàng, vỉ phơi bánh tráng,… Cũng như bao làng nghề khác, trải qua những thăng trầm của nghề nhưng đến nay cả làng vẫn còn gần 300 hộ theo nghề. Tuy nhiên khi các sản phẩm truyền thống không cạnh tranh lại với dòng sản phẩm nhựa công nghiệp có nhiều ưu thế, chị Nguyễn Thị Thắm- một người con của làng nghề với lòng yêu nghề quyết không để nghề truyền thống của ông cha đi vào quên lãng. Là người năng động đầy nhiệt huyết, nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thị trường nên chị đã chuyển hướng kinh doanh sang sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho du lịch, hội nghị, quà tặng như giỏ xách, giỏ đựng hoa, giỏ đựng trái cây,… mà vẫn sử dụng nguyên liệu từ tre, cọng lá dừa sẵn có tại địa phương. Năm 2005, Sở Công nghiệp hỗ trợ kinh phí và giúp đào tạo nâng cao tay nghề, chị Thắm đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và thành lập Cơ sở Đồng Nhất chuyên sản xuất hàng TCMN từ cọng dừa, tre và nứa. Cơ sở đã giải quyết việc làm cho 350 lao động trực tiếp (chưa kể lao động phụ trong hộ gia đình), trong đó 220 lao động đã qua đào tạo tại cơ sở.
Từ khi Cơ sở Đồng Nhất ra đời đưa làng nghề phát triển theo hướng mới. Những chiếc giỏ xinh xắn được đan từ những đôi tay khéo léo của người thợ lành nghề mà mới đây thôi, họ còn là những thôn nữ chân lấm tay bùn. Ngoài việc đồng áng, người làng nghề có việc làm ổn định và thu nhập thường xuyên từ nghề. Với mức thu nhập bình quân 600.000 đồng/người/ tháng đã góp phần đưa mức thu nhập của làng nghề lên 6,5 triệu đồng/ năm, chiếm tỷ lệ khoảng 30% so với tổng giá trị sản xuất của toàn thôn. Sản phẩm của Đồng Nhất được thị trường các thành phố Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Tây Nguyên tiêu thụ mạnh với đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Có nhiều thời điểm làm hàng không kịp giao cho khách, lao động làm việc tại nhà mình quên cả ăn sáng, còn cơm trưa và chiều thì không bao giờ đúng giờ. Nhờ lao động ở đây tiếp thu nghề nhanh, từ những bé gái mới học lớp 5 đến những lao động khuyết tật, kể cả những cụ già đều thành thạo công việc đan đát, nên dù có tất bật nhưng sản phẩm vẫn đạt các yếu tố thẩm mỹ, đáp ứng nhiều mẫu mã phong phú theo thị hiếu của thị trường, tạo được chữ tín với khách hàng.
Theo bà Tô Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên: Điều cần nhất cho làng nghề phát triển là nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian đến, Sở Công nghiệp hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm tại làng nghề, tiến đến xây dựng mô hình điểm về làng nghề tiểu thủ công nghiệp đầu tiên ở Phú Yên.
BÍCH HÀ