Thứ Sáu, 11/10/2024 13:23 CH
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trung hạn
Kỳ 2: Mặt bằng không thông, vốn bố trí nhỏ giọt
Thứ Bảy, 22/12/2018 10:00 SA

Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) là một trong những dự án tạo nguồn thu để phân phối cho các dự án khác - Ảnh: LÊ HẢO

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Những điều này đã được đại diện các sở, ban ngành, địa phương nêu ra tại buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức mới đây.

 

Nguồn vốn hạn chế

 

Tại hai buổi giám sát tổ chức tại Sở Tài chính và Sở KH-ĐT, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhu cầu đầu tư trong thời gian tới rất lớn.

 

Tuy nhiên, nhìn lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh trong 5 năm, kể cả đầu kỳ lẫn kế hoạch bổ sung điều chỉnh thì thấy nguồn vốn không lớn. “Một tỉnh mà 5 năm đầu tư trung hạn chỉ hơn 0,5 tỉ USD thì không lớn so với nhu cầu”, ông Lê Thanh Đồng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khẳng định.

 

Trình bày báo cáo trước đoàn giám sát, ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh là hạn chế về nguồn vốn. Vốn Nhà nước chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đóng vai trò quyết định trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

 

Tuy nhiên, số vốn Trung ương thông báo cho tỉnh thấp so với số dự kiến ban đầu và so với mức vốn đã được thẩm định (kế hoạch giao chỉ bằng 57% số thông báo ban đầu); do đó, ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã được thẩm định nguồn. Nhu cầu vốn cho các công trình, dự án nhiều nhưng được bố trí ít, lại còn yêu cầu không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản nên khối lượng thực hiện đạt thấp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt.

 

Đồng tình với những khó khăn trong công tác bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư, ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chia sẻ: Vì nhu cầu đầu tư trên cả nước quá lớn nên Trung ương phải cân đối các nguồn vốn để bố trí cho tỉnh. Các nguồn vốn ODA, vốn vay ngân hàng... thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm ký hiệp định, cách tiếp cận của từng chủ đầu tư, từng nhà thầu...

 

Còn nguồn vốn ngân sách tỉnh cân đối từ tiền sử dụng đất thì phụ thuộc vào thị trường, lúc lên lúc xuống. Những điều này dẫn đến khả năng cân đối ngân sách hết sức khó khăn. Khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, cơ quan chức năng thường ghi phần vốn thực hiện là vốn Trung ương, vốn địa phương và các nguồn vốn khác nhưng để bố trí đầy đủ là cả một quá trình.

 

Tiến độ đầu tư bị ảnh hưởng

 

Việc nguồn vốn kế hoạch đầu tư công Trung ương thực giao chỉ 57% so với mức vốn thẩm định ban đầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư các dự án. Theo ông Võ Văn Ngôi, Trưởng Ban quản lý Đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Phú Yên, hiện Ban quản lý Khu kinh tế được giao làm chủ đầu tư 8 dự án, trong đó có 6 dự án đang triển khai và 2 dự án chuẩn bị đầu tư.

 

Trong 8 dự án thì có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Các dự án này chủ yếu tạo nguồn thu để phân phối cho các dự án khác, đặc biệt là Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa. 5 dự án còn lại sử dụng ngân sách Trung ương với tổng vốn thẩm định ban đầu là 1.200 tỉ đồng nhưng hiện chỉ được bố trí 420 tỉ đồng, chiếm 33%, còn thấp hơn mức 57% của cả tỉnh. Do đó, Ban quản lý Khu kinh tế đề nghị tỉnh xem xét trích 10% dự phòng của tỉnh và Trung ương bố trí thêm vốn để đơn vị hoàn thành các dự án.

 

Tương tự, ông Nguyễn Tường Chu, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên cho hay: Đơn vị đang triển khai và lập thủ tục đầu tư 5 dự án. Trong đó, 1 dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương, 2 dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh, 2 dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của vương quốc Bỉ và vốn đối ứng của ngân sách tỉnh.

 

Trong số này, dự án Đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 1 sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương nhưng chỉ được bố trí 53% so với mức thẩm định ban đầu. Điều này khiến đơn vị gặp khó về nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng các hạng mục đang triển khai, trong đó có hệ thống thủy lợi Lỗ Chài 1 và đường giao thông trục chính của dự án. Hiện dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.

 

Còn theo đại diện UBND TX Sông Cầu, hiện trên địa bàn có 2 dự án đã lập xong thủ tục đầu tư. Dự án thứ nhất là đường dọc vịnh Xuân Đài - Nhất Tự Sơn. Tuyến này có tổng mức đầu tư khoảng 85 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương 80 tỉ đồng nhưng mới bố trí được 3 tỉ đồng từ năm 2016 nên việc triển khai chỉ ở bước đền bù một phần và trả tiền lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

 

Dự án thứ hai là đường ven vịnh Xuân Đài đoạn từ bãi tắm Bàn Than đến Khu du lịch Nhất Tự Sơn, có tổng mức đầu tư khoảng 90 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương 85 tỉ đồng nhưng chỉ mới bố trí được hơn 3,1 tỉ đồng.

 

TX Sông Cầu kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn để thực hiện hai dự án này. Phần của tỉnh trước đây dự kiến khoảng 5 tỉ đồng/dự án thì nên bố trí tăng lên 20 tỉ đồng/dự án để đủ điều kiện khởi công.

 

Nếu tỉnh không bố trí được vốn thì có thể cho ứng trước để giúp thị xã sớm triển khai hai dự án chứ nếu để dậm chân tại chỗ như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch nâng cấp đô thị, phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Vướng giải phóng mặt bằng

 

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng khiến không ít chủ đầu tư dự án “kêu trời”. Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang là chủ đầu tư của rất nhiều dự án triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng nên tiến độ công trình cũng như quá trình hấp thu nguồn vốn của một số dự án do ban làm chủ đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ.

 

“Hiện nguồn nhân lực để tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở các địa phương rất hạn chế, trong khi khối lượng công việc lại quá nhiều. Do đó, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương nên tập trung nguồn lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, cử các cán bộ địa chính có năng lực thực sự để làm nhiệm vụ thì mới giải quyết được bài toán mặt bằng để thi công dự án.

 

Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của địa phương, nhất là tại những địa bàn có nhiều công trình, dự án triển khai cùng một lúc như TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa...; nhưng đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương là chủ công, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò phối hợp. Dù khó khăn về nhân lực nhưng địa phương không làm thì ai làm?”, Phó Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Văn Hào nói.

 

Cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án động lực trên địa bàn tỉnh, hiện Ban quản lý Khu kinh tế đang “đau đầu” vì mặt bằng triển khai các dự án do ban làm chủ đầu tư. Ông Võ Văn Ngôi cho hay, hiện các dự án do Ban quản lý Khu kinh tế làm chủ đầu tư được thực hiện tại 3 địa bàn là TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và huyện Đông Hòa; tất cả đều vướng công tác giải phóng mặt bằng, vướng nhất là tại huyện Đông Hòa. Mặc dù chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với địa phương trong vấn đề giải phóng mặt bằng nhưng không hiểu sao vẫn phát sinh vướng mắc.

 

Điển hình như dự án Tuyến nối quốc lộ 1 (Đông Mỹ) đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp (giai đoạn 1), đây là trục giao thông đối ngoại giữa quốc lộ 1 và Khu kinh tế Nam Phú Yên và hiện là trục giao thông đối ngoại duy nhất của khu kinh tế này để phục vụ cảng Vũng Rô cùng các khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2. Mặc dù dự án này triển khai đã 6 năm nhưng do vướng giải phóng mặt bằng nên tỉnh phải nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành. Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà đoạn qua Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô cũng còn hàng chục hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do vướng nguồn gốc đất và người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường...

 

Bên cạnh các khó khăn, vướng mắc nêu trên, tại hai buổi giám sát, đại diện các sở ban ngành, địa phương còn cho rằng việc nhiều nhà thầu thi công, chủ đầu tư chậm làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán; một số chủ đầu tư lựa chọn tư vấn lập dự án, tư vấn lựa chọn nhà thầu chưa tốt dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, gây kéo dài thời gian và chậm tiến độ thi công...

 

“Ngoài ra, công tác lập hồ sơ về đất đai, đấu thầu còn nhiều vướng mắc và mất nhiều thời gian cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công”, bà Nguyễn Thị Nở, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính nói.

 

Quy định về đầu tư công còn chồng chéo

 

Theo Sở Tài chính, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn là thể chế về đầu tư công hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công. Một số quy định về đầu tư công còn chưa thống nhất, mâu thuẫn với các quy định tại các luật khác và các quy định của Quốc hội, Chính phủ... hoặc quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của dự án.

 

Kỳ 3: Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek