Chủ Nhật, 13/10/2024 07:18 SA
Thiếu kiến thức tài chính tạo “kẽ hở” cho tín dụng đen len lỏi
Thứ Sáu, 16/11/2018 13:00 CH

Sinh viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tham gia lớp tập huấn về giáo dục tài chính cá nhân - Ảnh: LÊ HẢO

Triển khai Chương trình phát triển ngành Tài chính vi mô Việt Nam (TCVM) đến năm 2020, Học viện Ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế và Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực TCVM. Bên cạnh việc đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tổ chức TCVM thì việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân luôn được Học viện Ngân hàng chú trọng, xem đó như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy chiến lược đẩy mạnh tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

Trao đổi với Báo Phú Yên về chương trình nói trên, ThS Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, cho biết:

 

- Là cơ sở đào tạo phía Nam của Học viện Ngân hàng, thời gian qua, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tích cực triển khai các chương trình đào tạo về TCVM và nâng cao kiến thức tài chính cho các đối tượng người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau.

 

Tại Phú Yên, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho học viên là cán bộ Đoàn; bác sĩ, y tá thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện; học viên của đề án 500 tri thức trẻ tình nguyện; học sinh lớp 12 tại tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh...

 

Gần đây nhất, đơn vị phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức khóa đào tạo về kỹ năng lập phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) và phương án vay vốn cho cán bộ Hội Nông dân của tỉnh.

 

ThS Trần Thanh Long

* Theo ông, hiện nay người dân nông thôn đang còn thiếu và yếu những kỹ năng tài chính nào? Đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tín dụng đen len lỏi và ngày càng bành trướng ở vùng nông thôn không?

 

- Hiện nay, người dân ở khu vực nông thôn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các kiến thức về tài chính cơ bản. Cụ thể, người dân ở nông thôn (và có thể bao gồm một bộ phận người thu nhập thấp ở khu vực thành thị) thiếu kiến thức về lập phương án SXKD.

 

Họ thường không biết cách tính toán, xây dựng phương án SXKD một cách bài bản; phần lớn chỉ tổ chức SXKD theo thói quen, làm đến đâu tính đến đó. Vì vậy, họ rất dễ bị tác động bởi rủi ro của thị trường, không có khả năng phát huy hiệu quả vốn đầu tư bỏ ra. Đây là lý do gây tâm lý e ngại cho các tổ chức cho vay chính thức.

 

Bên cạnh đó, phần lớn người dân nông thôn thường thiếu kiến thức cơ bản về tài chính (kiến thức về tiết kiệm và vay vốn, quản lý tiền bạc...) dẫn đến tình trạng vay vốn theo phong trào, theo nhu cầu đột xuất chứ chưa có những tính toán hiệu quả khi nào cần vay? Vay bao nhiêu tiền? Khoản vay có lãi suất hợp lý hay không? Khả năng trả nợ của gia đình có đáp ứng được khoản vay hay không?...

 

Do những tính toán thiếu hợp lý này mà nhiều gia đình không phát huy được hiệu quả sử dụng vốn vay, hoặc thậm chí rơi vào vòng xoáy nợ nần.

 

Ngoài ra, tại khu vực nông thôn, các kênh phân phối của các tổ chức tài chính chính thức như ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức TCVM... còn chưa phủ sóng hết. Vì vậy, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân càng trở nên khó khăn hơn.

 

Trong bối cảnh đó, các kênh cho vay phi chính thức ở nông thôn như: hụi, họ, tín dụng đen... với ưu điểm của mình sẽ trở nên gần gũi và là lựa chọn sẵn có. Vì thế, có thể khẳng định, những nguyên nhân này đã góp phần làm cho tín dụng đen có cơ hội phát triển tại khu vực nông thôn hiện nay.

 

* Để khắc phục vấn đề nói trên, theo ông, các cơ quan liên quan cần làm gì để người dân được tiếp cận tài chính toàn diện hơn trong thời gian tới?

 

- Để nâng cao hiệu quả về tiếp cận tài chính toàn diện cho các đối tượng trong toàn xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thì ngoài việc đào tạo, nâng cao kiến thức về tài chính cho người dân còn cần có những giải pháp mang tính đồng bộ. Thứ nhất là tạo kênh tư vấn, hỗ trợ về lập phương án SXKD, phương án vay vốn cho người dân nông thôn.

 

Thứ hai là phát triển sâu rộng mạng lưới của các tổ chức tài chính chính thức tại khu vực nông thôn để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân nông thôn; trong đó chú trọng đến phát triển mạng lưới các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức TCVM, dịch vụ tín dụng nội bộ trong các HTX... Vì đây là những kênh cung ứng vốn gần gũi và phù hợp với người dân nông thôn.

 

Thứ ba là tạo sự kết nối để người dân nông thôn SXKD có hiệu quả như: hệ thống cung ứng các yếu tố đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải quy hoạch vùng sản xuất dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, tránh trường hợp sản xuất theo phong trào trong thời gian qua tại khu vực nông thôn dẫn đến những rủi ro cố hữu trong nông nghiệp là “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

 

Sự thành công của các phương án SXKD luôn là cơ sở, là niềm tin để người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn cho vay chính thức.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek