(Trích tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV của đồng chí Nguyễn Chí Hiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Trong 5 năm qua (2001 – 2005), nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng 1,67 lần, nhịp tăng bình quân 10,7%, cao hơn nhịp tăng bình quân của khu vực và cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 16,4%, khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 4,7%, khu vực dịch vụ 12,1%/năm.
Chất lượng tăng trưởng cũng thể hiện những nét tích cực: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp từ 22,7% năm 2000 lên 30% năm 2005, tỉ trọng dịch vụ tăng từ 33,2% lên 34,3%, tỉ trọng nông nghiệp giảm dần từ 44,1% xuống 35,7%; tăng trưởng gắn với phát huy được lợi thế của từng ngành, lĩnh vực.
Có được kết quả tăng trưởng trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tư là yếu tố quan trọng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm 2001 – 2005 là 9.487 tỉ đồng,bằng 49,8% GDP, tăng bình quân hàng năm 19,7%. Trong đó: vốn từ ngân sách nhà nước 2.077 tỉ đồng, chiếm 21,9% tổng vốn; vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp 2.910 tỉ đồng, chiếm 30,7% tổng vốn; vốn vay đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế trong tỉnh 798,4 tỉ đồng, chiếm 8,4%; vốn thu hút từ bên ngoài 3.703 tỉ đồng, chiếm 39% tổng vốn.
Tuy có nhiều tiến bộ trong thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, nhưng giá trị GDP bình quân đầu người của tỉnh đang còn thấp (6,04 triệu đồng), bằng 60% cả nước và 80% so với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Trong giai đoạn 2006 – 2010, để tiếp cận mức trung bình chung của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh phải đạt bình quân trên 13%/năm, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển toàn tỉnh cần khoảng 17.270 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ có thể trang trải khoảng 20%. Bài toán đặt ra cho nền kinh tế là cần huy động thêm 14.000 tỉ đồng, (bình quân 2.800 tỉ đồng/năm). Đây là bài toán không dễ để huy động đủ lượng vốn cần thiết, cần có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã phê duyệt, chuẩn bị phê duyệt sớm triển khai thực hiện. Đồng thời, trong 5 năm tới, công tác thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước cần được xem trọng và phải có những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể.
Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, công ty 100% vốn nước ngoài, đầu tư vào Phú Yên và đang làm ăn có hiệu quả - Ảnh: Dương Thanh Xuân
Để thực hiện mục tiêu này, Phú Yên có những thuận lợi khách quan như: Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định khu vực kinh tế Nam Phú Yên – Bắc Khánh hòa với trung tâm là cụm cảng Văn Phong – Vũng Rô là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng. Chính phủ cũng đã cho phép lập quy hoạch tuyến đường sắt nối Phú Yên với Tây Nguyên, lập Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như trục dọc miền Tây nối Bình Định – Phú Yên – Đắk Lắk; tuyến giao thông ven biển, khu đô thị nam thành phố Tuy Hòa, khu kinh tế Văn Phong, khu kinh tế Nhơn Hội… là tiền đề để khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên phát triển, Phú Yên sẽ có nhiều cơ hội cao hơn trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, về phía chủ quan, tỉnh cần quan tâm triển khai một số giải pháp chủ yếu để thu hút đầu tư:
1- Phát huy vai trò nguồn vốn đầu tư từ ngân sách: Vốn ngân sách ngoài việc phải tập trung bảo đảm các nhu cầu thiết yếu, nhu cầu hỗ trợ các khu vực khó khăn, cũng cần chú trọng đến vai trò tạo nền cho việc thu hút các nguồn vốn khác.
2- Tập trung chỉ đạo để thu hút các dự án lớn. Chú ý các dự án sử dụng được nhiều lao động địa phương, dự án có nhiều sản phẩm xuất khẩu, dự án tạo được bước đột phá cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện thu ngân sách. Trước mắt chú ý tác động để dự án lắp ráp ô tô sớm đi vào hoạt động, phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ cấp phép các dự án: nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất giấy và bột giấy, khu du lịch liên hợp cao cấp, lập và trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án khu kinh tế nam Phú Yên…
3- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công để các công trình trọng điểm sớm đi vào hoạt động.
4- Tiếp tục triển khai sâu rộng các Chương trình hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, hợp tác nhằm tạo thêm thế và lực mới chung cho cả vùng, qua đó tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn đầu tư và mở rộng không gian kinh tế. Các ngành trong tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các ngành của tỉnh bạn để đánh giá kết quả triển khai và kịp thời bổ sung các biện pháp cần thiết cho các chương trình hợp tác trong thời gian đến.
5- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo các hướng:
+ Thông thoáng về tư tưởng, triệt để trong cải cách hành chính, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép đầu tư. Thể chế hóa các quy định về giải quyết thủ tục (thời gian xử lý, trách nhiệm, quyền hạn,… của các cơ quan chức năng) cho các nhà đầu tư từ khâu lập dự án, triển khai thực hiện, đến khi dự án đi vào hoạt động.
+ Có chương trình chủ động trong vận động và xúc tiến đầu tư. Thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mai của tỉnh với nhiệm vụ triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, làm đầu mối giúp các nhà đầu tư tiến hành nhanh gọn các thủ tục đầu tư, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư như lập dự án, hồ sơ xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đăng ký ưu đãi đầu tư, tư vấn triển khai thực hiện dự án đầu tư như lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng,…
+ Hỗ trợ việc triển khai thực hiện dự án sau khi cấp giấy phép đầu tư như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ công trình hạ tầng ngoài hàng rào, các thủ tục nhập khẩu thiết bị máy móc, cung ứng lao động,…
6- Tiếp tục rà soát, cập nhật và nâng cao chất lượng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng. Công bố rộng rãi các quy hoạch, các dự án gọi vốn đầu tư để các doanh nghiệp tự quyết định lựa chọn hình thức đầu tư, kinh doanh thích hợp.
7- Có kế hoạch xây dựng một số chính sách để hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, khai thác tốt tiềm năng để đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào nông lâm thủy sản.
8- Xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn từ quỹ đất ngay trong quá trình xây dựng, thông qua biện pháp đấu thầu xây dựng công trình, đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng.
9- Có chương trình và kế hoạch làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự ủng hộ từ các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn bỉnh,… Kiến nghị để Trung ương sớm triển khai các công trình: hầm đường bộ Đèo Cả, đường sắt lên Tây Nguyên.
10- Thường xuyên tạo điều kiện để các nhà đầu tư được gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, kịp thời phản ảnh nguyện vọng, phản ảnh các vướng mắc trong quá trình đầu tư. Định kỳ tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư theo nhiều hình thức để kịp thời hiệu chỉnh, bổ sung chính sách thu hút đầu tư.