Chủ Nhật, 29/09/2024 14:22 CH
Từ đột phá về thu hút đầu tư
Thứ Ba, 15/01/2008 07:29 SA

Phú Yên đã đứng thứ hai trong các tỉnh, thành của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2007. Thành tựu mang tính đột phá này đang mở ra nhiều hướng phát triển mới cho tỉnh; đồng thời tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

080115-hoadau3.jpg

Hiện trạng khu vực dự án công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking

 

Để đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách so mức trung bình cả nước và khu vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên đã đề ra tốc độ phát triển GDP trong giai đoạn 2006-2010 là 13,8%, giai đoạn 2011-2015 là 15,2% và giai đoạn 2016-2020 là 15,3%. Do đó, tỉnh cần một lượng lớn vốn đầu tư, trong đó FDI chiếm vai trò quan trọng. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian trước đây không cao. Giai đoạn 1989-1995 chỉ có 6 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 11 triệu USD, giai đoạn 1996-2000 có 4 dự án với tổng vốn đăng ký 43 triệu USD, giai đoạn 2001-2005 có 26 dự án với tổng vốn đăng ký 184 triệu USD. Năm 2006, kết quả thu hút đầu tư cũng không khả quan. Nhìn chung, công tác thu hút đầu tư trong các giai đoạn này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh. Thế nhưng, trong 10 tháng 2007 tỉnh Phú Yên xếp thứ 44/51 tỉnh, thành phố thu hút được dự án đầu tư nước ngoài.

 

Ngày 29/11/2007, Bộ Kế hoạch – Đầu tư có báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài. Trong đó, TP Hồ Chí Minh xếp thứ nhất trong xếp loại thu hút đầu tư 11 tháng 2007 với 308 dự án và 1,736 tỉ USD vốn đăng ký, chiếm 13% tổng vốn đăng ký; Phú Yên xếp hàng thứ hai với 5 dự án và 1,703 tỉ USD, chiếm 12,7% tổng số vốn đăng ký; Bà Rịa Vũng Tàu xếp hàng thứ 3 với 18 dự án và 1,069 tỉ USD… Đồng thời, báo cáo cũng đánh giá lại thu hút đầu tư theo địa phương từ 1988 – 2007, qua đó tỉnh Phú Yên xếp hàng thứ 8 toàn quốc với 39 dự án và 1,975 tỉ USD.

 

Kết quả đột phá về thu hút đầu tư của Phú Yên là nhờ UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, làm tăng vọt tổng mức đầu tư đăng ký trên địa bàn. Dự án do liên doanh giữa tập đoàn Teachnostar Vương quốc Anh và tập đoàn Telloil của Nga đầu tư, công suất nhà máy 4 triệu tấn/năm với vốn đầu tư 1,7 tỉ USD. Hiện nay dự án đang lập thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, dự kiến khởi công vào cuối 2008, đầu năm 2012 đi vào hoạt động.

 

Ngoài ra, trong năm 2007, tỉnh Phú Yên đã đón tiếp 30 đoàn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, có một số đối tác quan trọng như tập đoàn SP Chemical – Sigapore với dự án Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm có vốn đầu tư 300 triệu USD và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking có vốn đầu tư là 11 tỉ USD (Công ty SPC 5 tỉ USD, kêu gọi đầu tư từ các công ty khác 6 tỉ USD). Hai dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản 1084/TTg-QHQT ngày 8/8/2007. Về quy mô, khu công nghiệp khoảng 1.300 ha mặt đất và 1.300 ha mặt nước để xây dựng cảng chuyên dụng dầu khí Bãi Gốc; tổ hợp hóa dầu gồm, nhà máy Naphtha Cracking, nhà máy sản xuất Dicloetan, nhà máy sản xuất Polyprotylen, nhà máy sản xuất xút/clo, nhà máy sản xuất các chất thơm (Aromatic), nhà máy sản xuất PTA và các nhà máy sản xuất các sản phẩm khác như Acrylonitrile, acid Acrilic, PO, Epoxy, MDI, TDI, ABS…

 

080115-hoadau2.jpg

Mô hình khu công nghiệp và tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking khi định hình

 

Cùng với nhà máy lọc dầu, các dự án Khu công nghiệp hóa dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking đã tạo tiền đề để Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề xuất với Thủ tướng (thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội dải ven biển miền Trung) xây dựng tại Phú Yên một cụm hóa dầu, cùng với các cụm hóa dầu khác tại miền Trung là Nhơn Hội (Bình Định), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa).

 

Ngoài ra, một số đối tác khác như Tập đoàn Sama Dubai, các đối tác thuộc các quốc gia Nga, Đài Loan, Trung Quốc… đang đàm phán với tỉnh những dự án hứa hẹn thu hút được những nguồn đầu tư lớn.

 

Những thành tựu ban đầu của công tác thu hút đầu tư mở ra một hướng mới cho công tác định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bên cạnh nội lực, cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng để tiếp nhận có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

 

Để tiếp tục giữ vững thành tựu và phát huy hơn công tác thu hút đầu tư, tỉnh phải nỗ lực để kịp thời nắm bắt làn sóng đầu tư mới đang đổ vào Việt Nam sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới. Môi trường đầu tư của Phú Yên cũng sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thế kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên đến 2020, phê duyệt, thành lập khu kinh tế Nam Phú Yên trong đầu năm 2008. Tỉnh Phú Yên cần tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, chính sách đầu tư, tạo điều kiện để các dự án đăng ký sớm được cấp phép, hỗ trợ các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai hoạt động theo đúng tiến độ đề ra, tiếp tục duy trì được môi trường đầu tư hấp dẫn.

 

             

NGUYỄN CHÍ HIẾN

Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Phú Yên

 

                                                                                                                                                                  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek