Nghề bó chổi (từ nguyên liệu cọng dừa và đót) ở thôn Mỹ Thành, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hòa tồn tại và phát triển trên 50 năm dưới hình thức các hộ tự bỏ vốn mua nguyên liệu, tự tổ chức sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ.
Làm chổi đót ở thôn Mỹ Thành - Ảnh: D.T.X |
Theo số liệu khảo sát mới đây, Mỹ Thành hiện có 243 hộ, trong đó 115 hộ làm nghề bó chổi với tổng số 350 lao động. Thu nhập trung bình từ 600.000- 800.000 đồng/người/tháng. Lực lượng chính của làng nghề là lao động nữ. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề này có thị trường tiêu thụ khá rộng, mang lại thu nhập chính cho người dân. Chị Cao Thị Nàng, một người làm nghề lâu năm cho hay: Cây chổi đót Mỹ Thành bây giờ có mặt ở khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Trước đây, chổi đót được sản xuất nhỏ lẻ với số lượng ít và chỉ tiêu thụ ở chợ Tuy Hòa hoặc bán dạo thôi. Nhưng nhờ sự nỗ lực tìm kiếm của các hộ sản xuất, thị trường đã được mở rộng. Bây giờ nhà nào cũng tìm được mối riêng cho mình nên chỉ tập trung sản xuất và giao hàng càng nhiều càng tốt. Còn chị Nguyễn Thị Nhung phấn khởi: Bây giờ không phải lo đầu ra nữa, chỉ lo làm sao có nhiều vốn để mua đót về trữ, sản xuất quanh năm. Mùa đót kéo dài từ tháng Chạp cho đến tháng Giêng. Trong thời gian này, giá đót nguyên liệu rẻ hơn những tháng khác. Đầu mùa, giá đót mua vào ở mức 7 triệu đồng/tấn, cuối mùa giá đội lên đến 13 triệu đồng/tấn. Theo lời chị Nhung, năm nay giá đót mua vào rất cao, hiện ở mức 8 triệu đồng/ tấn. Nếu có vốn mua trữ thì đến cuối mùa sẽ kiếm lời. Nghề này không phải dầm mưa dãi nắng, ít vất vả, làm quanh năm và ổn định. Bình quân mỗi tháng, nhà chị xuất bán khoảng hai chuyến hàng với gần 7.000 cây chổi. Nếu hàng bán được nhiều thì thu nhập của mỗi lao động rất khá, từ 1 - 1,2 triệu đồng/ tháng.
Làng nghề này đang có sự phân công lao động. Anh Đặng Ngọc Quyên, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: Lao động nữ phụ trách khâu sản xuất, còn cánh đàn ông tìm đầu ra cho sản phẩm và mua nguyên liệu. Cơ sở của anh hiện có quy mô tương đối lớn, mỗi tháng xuất bán 10.000 cây chổi (chổi đót và chổi dừa). Tại nhà anh có 15 lao động, được phân công phụ trách các công đoạn: tước đót, cột con, quấn chổi, bện chổi.
Cây chổi Mỹ Thành được cải tiến, quấn bằng dây cước và thép nên nhẹ và êm; giá thành khá mềm. Dịp cuối năm và vào mùa khai trường, chổi Mỹ Thành được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm. Nghề bó chổi thật sự mang lại cho làng nghề diện mạo khang trang. Người dân làng nghề đang phấn đấu đầu tư, nâng cao tay nghề với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh, có điều kiện mở rộng thị trường. Đồng thời chính quyền địa phương sẽ thành lập Câu lạc bộ Làng nghề để Nhà nước hỗ trợ vốn, thông tin thị trường,…
BÍCH HÀ