Thứ Sáu, 25/10/2024 03:19 SA
Hiệu quả cây lúa nước trên đất đồi
Thứ Năm, 21/09/2017 11:00 SA

Hội thảo đầu bờ tại ruộng lúa nhà Ma Kiêu ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh - Ảnh: VĂN THÙY

Nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, huyện Sông Hinh đã đầu tư khoảng 8 tỉ đồng xây dựng trạm bơm tại buôn Học, xã Ea Lâm để phục vụ sản xuất lúa nước. Ngay sau khi khánh thành trạm bơm, vụ hè thu năm 2017, huyện Sông Hinh đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT triển khai mô hình trình diễn sản xuất lúa nước trên đất mới khai hoang theo hướng thâm canh. Sau hơn ba tháng, mô hình này đã mang lại hiệu quả cao, được bà con đón nhận…

 

Hiệu quả

 

Mừng những bông lúa vàng óng, gia đình Ma Kiêu ở buôn Gao, xã Ea Lâm dành hẳn một con heo sữa, một ché rượu ra đầu ruộng cúng mừng lúa mới và mời anh em, họ hàng đến chia vui. Với Ma Kiêu, đây là niềm vui bất ngờ, khó tin bởi chỉ cách đây vài tháng, nơi đây vẫn chỉ là đồi đất khô cằn, sỏi đá hoang sơ, quanh năm với cây sắn, cây bắp năng suất bấp bênh, năm được năm mất. Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ có trạm bơm chạy bằng điện cùng hệ thống kênh mương dẫn nước về tận đầu ruộng. Ma Kiêu luôn miệng nói cảm ơn cán bộ xã, huyện đã hướng dẫn kỹ thuật từ khi ủi đất, đắp bờ đặt ống dẫn nước, rồi đến ủ giống, gieo sạ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Chỉ tay vào đám lúa đang cắt, Ma Kiêu nói: “Có lúa nước, từ nay bà con không còn lo chạy gạo từng ngày như trước nữa. Không những vui vì ruộng lúa tốt mà tôi còn vui vì từ nay mình biết cách trồng lúa thâm canh hiệu quả, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”. Chung vui tại lễ mừng lúa mới, Ma Nhiên, người thân của Ma Kiêu phấn khởi: “Bà con đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi sẽ phát huy cách làm này, mong Nhà nước tiếp tục giúp người dân trong sản xuất lúa nước”.

 

Cùng chung niềm phấn khởi, Nay Y Sun ở buôn Bưng A vừa thu hoạch xong ruộng lúa 2 sào (1.000m2/sào) được 28 bao, tương đương hơn 1,3 tấn lúa. Theo Nay Y Sun, với 7 người trong nhà, trước đây gạo ăn hàng ngày đều dựa vào 1ha lúa rẫy, một năm một vụ, năm nào mưa thuận gió hòa thu được khoảng 30 bao, còn mất mùa thì chỉ đạt 10-15 bao. Như vậy chỉ cần 2 sào lúa nước là bằng cả một hecta lúa rẫy. Lúa cho năng suất cao không chỉ đem lại niềm vui bất ngờ cho Nay Y Sun, mà còn khiến dân làng trầm trồ, thán phục. Nay Y Sun cho hay: “Bà con ai cũng phấn khởi, nhiều người dự định giảm đất trồng sắn sang làm ruộng lúa nước. Riêng gia đình tôi sẽ không làm lúa rẫy nữa, để đất đó trồng thêm cao su, hy vọng sẽ thu nhập khá hơn nữa”.

 

Nay Y Sun, Ma Kiêu là hai trong tổng số 16 hộ gia đình ở 4 buôn gồm buôn Gao, buôn Bưng A, buôn Bưng B và buôn Học, xãEa Lâm tham gia mô hình trình diễn sản xuất lúa nước trên đất mới khai hoang thuộc trạm bơm buôn Học, với tổng diện tích 3,35ha.

 

Tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng

 

Chủ tịch UBND xã Ea Lâm Nguyễn Văn Thành cho biết: Địa phương có trên 30ha lúa nước, chủ yếu là lúa tận dụng khe trấp, hoặc người dân tự đắp đập làm hồ chứa nước, năng suất bình quân chỉ đạt trên dưới 4 tạ/sào. Tuy nhiên, những diện tích lúa nước này rất bấp bênh, vì gặp thời tiết khô hạn, lúa gần như mất trắng. Bên cạnh đó, người dân còn dành trên 100ha đất tốt, bằng phẳng để làm lúa rẫy lấy gạo ăn. Quá phụ thuộc vào thời tiết, nên hiệu quả lúa rẫy không cao, tình trạng đói giáp hạt còn xảy ra khá phổ biến. Nhiều hộ phải mua nợ gạo của tư thương đợi đến mùa trả với giá cao gấp rưỡi, gấp hai cũng phải chấp nhận. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, UBND huyện Sông Hinh đã đầu tư xây dựng công trình trạm bơm Buôn Học khoảng 8 tỉ đồng. Trạm bơm này có công suất 470m3/giờ, ba tổ máy đẩy nước từ lòng sông Ba vượt lên độ cao 16m đổ vào hệ thống kênh dẫn dài hơn 1.600m cung cấp đủ nước tưới cho 55ha lúa hai vụ và 20ha cây hoa màu khác.

 

Để giúp người dân làm quen với việc trồng lúa nước, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền xã Ea Lâm triển khai mô hình trồng lúa nước trên đất mới khai hoang. Theo đó, xãđãvận động một số hộ thuê máy san ủi đất, đắp bờ cải tạo thành ruộng lúa nước, đồng thời hỗ trợ giống lúa thuần chất lượng cao là AN1, AN2 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ sản xuất. Phòng NN-PTNT cũng cử cán bộ hướng dẫn nông dân bón lót bằng phân chuồng, bón lân, đạm, kali đúng theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Lúa mô hình đã cho năng suất cao gấp rưỡi so với lúa thường làm tại địa phương. Mô hình này còn giúp bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu chuyển sang sản xuất lúa nước theo hướng thâm canh. “Trồng lúa trên đất mới khai hoang được người dân tộc thiểu số đón nhận. Để trạm bơm Buôn Học phát huy hiệu quả, thời gian tới xãtiếp tục tuyên truyền, vận động những người có nhiều đất thuộc khu vực tưới của trạm bơm chia sẻ cho họ hàng, người thân, hàng xóm láng giềng, làm sao để các hộ dân đều có ruộng lúa nước, góp phần ổn định đời sống kinh tế của bà con nơi đây”, Chủ tịch UBND xãEa Lâm Nguyễn Văn Thành nói.

 

Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện, điều kiện khí hậu, thời tiết rất bất lợi cho việc sản xuất các loại cây trồng. Xuất phát từ đó nên huyện mới quan tâm đầu tư công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất. Tuy là vụ đầu tiên bà con sản xuất lúa nước, nhưng bước đầu chúng tôi đánh giá đạt hiệu quả rất tốt. Trên đà này, chúng tôi tiếp tục nhân rộng để mở rộng diện tích trồng lúa nước, đảm bảo lương thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với những xã khó khăn như Ea Lâm.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek