Thứ Sáu, 25/10/2024 03:26 SA
Xóa nghèo, trước hết phải xóa từ ý thức
Thứ Năm, 21/09/2017 07:14 SA

Vừa qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đi khảo sát về việc thực hiện các chính sách dân tộc cho vùng miền núi trên địa bàn tỉnh. Thực tế cuộc sống nơi đây cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo đang thực sự nan giải.

 

Những con số báo cáo khiến người đọc phải nhói lòng, khi có thôn 100% hộ nghèo, các xã đặc biệt khó khăn có trên 50% hộ nghèo, có xã thu ngân sách một năm chỉ đạt 30 triệu đồng. Trong khi đó hàng năm, ngân sách tỉnh, Trung ương đổ về miền núi để xóa nghèo lên tới cả trăm tỉ đồng. Đó là chưa kể sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và các cá nhân hảo tâm hướng về miền núi. Thế mà tỉ lệ hộ nghèo ở vùng này vẫn cao, mọi cố gắng giảm nghèo đang như “muối bỏ bể”. Một câu hỏi đặt ra, liệu nguồn vốn đầu tư cho miền núi còn quá ít hay triển khai chưa phù hợp nên chưa phát huy hiệu quả?

 

Thực tế cho thấy, đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, trường, nhà văn hóa, công trình phúc lợi cho vùng miền núi kinh phí không chỉ cao hơn mà tính bền vững cũng thấp. Chỉ cần mục sở thị những đoạn đường về với các thôn, buôn nằm sâu trong núi mới thấy địa hình khó khăn với nhiều đoạn dốc và lởm chởm đất đá, khiến cho tiền công, tiền vật liệu cao hơn bình thường. Không chỉ vậy, nhiều đoạn có thể vừa mới được trải nhựa, thảm bê tông nhưng chỉ sau 1, 2 năm gặp mưa bão là đất đá bị xói mòn khiến đường sạt lở dần và tiền đầu tư theo đó cũng trôi đi.

 

Nguyên nhân cốt lõi khiến cho công tác xóa nghèo gặp khó chính là ý thức của người dân với tâm lý ỷ lại đã “ăn sâu, bám rễ”. Có đồng bào từng vô tư chia sẻ rằng làm hộ nghèo họ được khám bệnh phát thuốc miễn phí, rồi được cho bò, hỗ trợ giống cây và cho tiền… nên không muốn thoát nghèo. Hàng năm, Nhà nước hỗ trợ trước mắt để người dân có cái ăn, cái mặc, không phải thiếu đói, nhưng khi được nhận tiền thay vì đi mua thực phẩm về nhà tích trữ, họ lại mang ra quán nhậu. Các mô hình điểm về hỗ trợ sản xuất đã làm nhiều và thành công nhưng không đủ khả năng nhân rộng, chỉ đơn giản vì không được tiếp tục hỗ trợ phân, giống thì người dân không làm. Đất núi gắn với rừng, trồng rừng kinh tế là chính sách mở giúp các hộ dân có cơ hội tạo thêm thu nhập. Người dân được giao quyền sở hữu và khai thác rừng trồng nhưng cũng chính người dân bán đi “cần câu cơm” của mình để cuối cùng phải đi làm thuê trên chính mảnh rừng đó.

 

Nhiều đồng bào ở các nơi lên miền núi Phú Yên lập nghiệp, làm kinh tế, họ biết “dựa” vào đất, vào rừng và biết nắm bắt cơ hội, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã lập cơ nghiệp, trở thành hộ khá, giàu và nhiều trang trại được hình thành. Nhiều người từng so sánh, đất ở Cao Bằng, Hà Giang… là đất trộn đá trồng cây hay trồng rừng đều khó. Để có hạt bắp ăn, họ phải gùi đất bỏ vào những hốc đá, rồi tra từng hạt bắp vào đó. Còn đất núi Phú Yên, đá nằm rải rác, chỉ cần bỏ công nhặt đá là có cả hecta đất bằng để trồng mía, sắn, cây ăn trái… Thu hoạch xong, nông sản cũng đã có nhà máy sắn, nhà máy mía tiêu thụ…

 

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà nguồn vốn Chương trình 135, nguồn vốn chính hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng miền núi, bắt đầu từ năm 2017, ngoài đầu tư cho hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, có một phần kinh phí bắt buộc dành cho nâng cao trình độ cán bộ và nhận thức cộng đồng; và nếu làm được điều này thì đời sống đồng bào miền núi sẽ đổi thay hơn.

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek