Thứ Sáu, 25/10/2024 03:25 SA
Quản lý bệnh hại cây tiêu
Thứ Tư, 20/09/2017 10:04 SA

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) kiểm tra bệnh hại tiêu tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM

Thời gian qua, có thời điểm giá tiêu tăng cao, nhiều người dân đầu tư mở rộng diện tích để lại nhiều hệ lụy, đó là tình trạng sâu bệnh xuất hiện nhiều, khó phòng trừ. Mới đây, Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề quản lý bệnh hại, phát triển cây hồ tiêu bền vững, tiến tới xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Sơn Thành”.

 

Dịch hại tiêu diễn biến phức tạp

 

Theo Sở NN-PTNT, đến nay toàn tỉnh có 975ha tiêu; trong đó huyện Tây Hòa 600ha, Sông Hinh 200ha, Sơn Hòa 50ha và Tuy An 5ha. Năng suất hồ tiêu bình quân đạt 28 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân cả nước 5 tạ/ha, nhưng thấp hơn vùng tiêu ở Bình Phước 2 tạ/ha, Gia Lai 1 tạ/ha… Giống tiêu chủ yếu được bà con nông dân tự phát chọn trồng là các giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị), Sẻ Mỡ (Đồng Nai), Trâu Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều kiện đất đai, khí hậu tại các vùng trồng tiêu của tỉnh phù hợp cho cây tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất có thể đạt 40-50 tạ/ha. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh chưa quy hoạch chi tiết vùng trồng tiêu, nên phong trào nông dân phát triển trồng tiêu theo hướng tự phát, dẫn đến khó quản lý sản phẩm, chất lượng và năng suất tiêu còn thấp. Hơn nữa, trình độ thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, do nông dân ít tiếp cận được khoa học kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư thâm canh, chính sách hỗ trợ. Vì vậy, tình hình dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh mạnh, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây tiêu.

 

Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, đầu tháng 2 vừa qua, tuyến trùng (tuyến trùng là đối tượng dịch hại khá phổ biến và gây thiệt hại lớn đối với các vùng trồng tiêu cả nước) gây hại 106ha tiêu, tỉ lệ hại 0,8-5,6% dây; bệnh chết nhanh gây hại 18ha, tỉ lệ bệnh 4,5-17% trụ, tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Trong tháng 3/2017, tuyến trùng tiếp tục gây hại 115ha tiêu. Tiếp đó trong tháng 4/2017, tuyến trùng gây hại lên đến 122ha tiêu, trong đó 95ha tỉ lệ hại 1-3% trụ, 27ha tỉ lệ hại 4,5-10% trụ; bệnh chết nhanh gây hại 25ha, tỉ lệ bệnh 0,5-1,5% trụ. Trong khi đó, bệnh chết nhanh chưa có thuốc đặc trị, chỉ phòng là chính, khi phát hiện triệu chứng bệnh này trên cây tiêu thì rất khó để trừ.

 

Ông Hồ Viết Thuộc ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), cho biết: Tôi trồng 1ha tiêu, trên 15 năm. Thời gian qua sâu bệnh hại tấn công, ban đầu tiêu bị vàng lá, tôi đi hỏi mấy người xung quanh rồi ra đại lý “tả” chứng bệnh, được đại lý “kê đơn” rồi bán thuốc về phun nhưng không khỏi.

 

Theo nhiều người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa, thời gian qua, vườn tiêu ở vùng này xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại, nông dân mua nhiều loại thuốc phun nhưng không khỏi, có người mua thuốc tẩm mùng về phun? Giải thích vấn đề này, ông Đặng Văn Mạnh, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, nhấn mạnh: Thuốc tẩm mùng là loại thuốc y tế nên nông dân không dùng để trừ sâu bệnh hại cây tiêu (thuốc dùng cho cây tiêu là thuốc bảo vệ thực vật). Cũng chính vì nông dân trồng tiêu thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh hại trên nhiều vườn tiêu. Đáng lo nhất hiện nay là bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm chưa có thuốc đặc trị.

 

Giải pháp phòng trừ

 

Mới đây, tại huyện Sông Hinh, Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề quản lý bệnh hại cây tiêu. Sở đưa ra giải pháp là tỉnh quy hoạch vùng trồng cây hồ tiêu đến năm 2020 diện tích đạt khoảng 1.000ha, sản lượng tiêu hạt 2.000 tấn, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Người trồng tiêu áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, phát triển theo xu hướng hữu cơ bền vững.

 

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho hay: Do nông dân mở rộng tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu. Để phòng sâu bệnh hại cho hồ tiêu, ngành chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ như khảo nghiệm, chọn lọc giống mới năng suất cao và biện pháp phòng trừ dịch hại nguy hiểm như tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển diện tích cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân qua nguồn nước tưới, phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu, tiến tới xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Sơn Thành”.

 

Ông Nguyễn Văn An, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miềm Nam, cho biết: Trên cây hồ tiêu có nhiều tác nhân gây hại trực tiếp đối với thân, cành, lá, rễ. Từ đó làm giảm năng suất và khả năng sinh trưởng lâu dài của vườn tiêu. Một trong những vi sinh vật quan trọng sống trong đất gây hại cho cây tiêu đó là nấm Phytophthora spp. Nấm gây hiện tượng chết nhanh và phân bố rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á. Các giải pháp kỹ thuật tối ưu đã được minh chứng đó là tăng cường sử dụng năng lượng tái sinh, sử dụng chất hữu cơ và tăng cường sức sản xuất của đất là một trong những biện pháp làm vườn tiêu sinh trưởng bền vững.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek