Sinh ra ở vùng biển Nhơn Hội, xã An Hòa (huyện Tuy An), anh Phạm Chí Ba nhận thấy lợi thế vùng biển quê mình là thường xuyên có nguồn cá cơm ngần, cá cơm săng được một số khách nước ngoài ưa chuộng.
Vậy là anh Ba nghĩ cách làm giàu bằng việc chế biến cá cơm xuất khẩu. Gia đình anh tổ chức mua cá rồi thuê nhân công chế biến bằng cách rửa sạch, luộc chín, hong khô đóng hộp xuất khẩu. Anh Ba cho biết: “Yếu tố quan trọng trong khâu chế biến đóng hộp là phải giữ được con cá tươi ngon và đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo đơn đặt hàng”.
Anh Phạm Chí Ba được đi dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội - Ảnh: M.M.TÂM
Nhờ có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý nên cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu của gia đình anh Ba ngày càng phát đạt. Từ một cơ sở chế biến cá cơm thủ công với dụng cụ thô sơ, nhỏ lẻ thì nay cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu của gia đình anh Ba đã liên kết với nhiều đầu mối tiêu thụ trong nước và nước ngoài như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Giữ được chữ tín trong làm ăn, năm 2007, một khách hàng người Đài Loan đã giới thiệu anh Phạm Chí Ba tìm mua thiết bị xử lý nước thải từ Đài Loan và đầu tư một công- tơ- nơ đông lạnh có sức chứa 20 tấn, trị giá gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, thành phẩm làm ra được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trừ chi phí, gia đình anh có mức thu nhập ổn định từ 70-80 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 50 lao động nhàn rỗi.
Anh Phạm Chí Ba hiện nay có một cơ ngơi khang trang, 2 đứa con của anh đều đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh.
Không những thành công trong sản xuất kinh doanh, gia đình anh còn được bà con láng giềng khen ngợi trong việc xây dựng nếp sống văn hóa. Gia đình anh Phạm Chí Ba xứng đáng được chọn là gia đình văn hóa của tỉnh dự Hội nghị Tuyên dương gia đình tiêu biểu toàn quốc vừa qua.
MẠNH MINH TÂM