Thứ Hai, 30/09/2024 20:25 CH
Sông Hinh - Vùng đất năng động
Thứ Ba, 30/10/2007 10:00 SA

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và những dòng sông, suối không bao giờ cạn nước, Sông Hinh được biết đến như là miền đất hứa cho những người đến đây lập nghiệp. Hai mươi hai năm kể từ ngày thành lập, từ vùng rừng núi hoang vu, nơi đây đã khoác lên mình một diện mạo mới, trở thành một vùng đất năng động phía tây nam của tỉnh Phú Yên.

 

071030-sh1.jpg

Một góc thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) - Ảnh: P.V

 

Năm 1985, Sông Hinh được tách khỏi huyện Tây Sơn cũ, là vùng đất mới cho những người di cư. Đầu tiên là sự di cư của các cư dân vùng đồng bằng, sau đó là những cư dân từ miền Bắc vào đã tạo nên một Sông Hinh sôi động với nhiều phong tục tập quán và những phương thức canh tác khác nhau. Tuy vậy, đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh luôn đoàn kết, cùng Đảng bộ, chính quyền tập trung phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

 

Năm 2002, chủ trương đổi đất thổ lấy đất ruộng được huyện Sông Hinh triển khai ở xã Ea Trol. Nhờ sự đồng thuận của người dân nên Sông Hinh là huyện miền núi đầu tiên của Phú Yên thực hiện thành công chương trình đổi đất đồi lấy đất ruộng, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chuyển sang trồng lúa nước, ổn định lương thực tại chỗ. Hiện tại, Sông Hinh có 14 công trình thủy lợi với hàng chục km chiều dài kênh mương. Chỉ tính riêng hệ thống đập dâng Ea Trol đã đảm bảo tưới tiêu cho hơn 130 ha lúa nước và các loại hoa màu, giúp bà con ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, xóa bỏ tình trạng du canh du cư vốn thường xuyên xảy ra trước đây ở vùng miền núi này.

 

Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa hai vùng cao nguyên và đồng bằng, từ lâu Sông Hinh được biết đến là vùng trồng mía, bắp, sắn trọng điểm của Phú Yên. Với diện tích canh tác gần 10.000 ha, cây mía, bắp và sắn không chỉ giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống mà còn là một trong những nguồn thu nhập chính của họ. Những năm gần đây, vùng đất đỏ Bazan ở phía tây Sông Hinh còn được tỉnh Phú Yên thử nghiệm trồng cây cao su. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành cao su, cây cao su ở Sông Hinh phát triển không thua kém các vùng Đông Nam Bộ. Một dự án liên kết với Viện nghiên cứu cao su Việt Nam đã được huyện Sông Hinh triển khai. 1800 ha cao su tiểu điền hiện nay đang được chính quyền và người dân nơi đây nhân rộng thành mô hình cao su đại điền. Viện nghiên cứu cao su Việt Nam cũng đang xúc tiến đầu tư 25 tỉ đồng xây dựng Trạm thực nghiệm và vườn cao su chất lượng cao trên diện tích hơn 50 ha ở khu vực giáp ranh 2 xã Ea Bar và Ea Lâm. Điều đó sẽ mở ra tiềm năng mới và lâu dài cho vùng đất phía tây này.

 

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa cây trồng, công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng đạt được những thành tựu nổi bật. Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại nông lâm kết hợp đã phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện và làm ăn có hiệu quả. Đến nay huyện Sông Hinh đã có trên 500 trang trại, trong đó có gần 100 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Sông Hinh còn là một trong những địa phương dẫn đầu ở Phú Yên trong việc phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi bò. Đàn bò huyện Sông Hinh hiện có 37.625 con. Có nhiều mô hình chăn nuôi bò thâm canh đạt hiệu quả cao, giúp nhiều người dân trong huyện vươn lên làm giàu. Là địa phương có nhiều sông, đập, ao hồ, Sông Hinh có lợi thế về việc nuôi thủy sản nước ngọt, nhất là cá. Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích gần 30 ha mặt nước ao hồ.

 

Nằm trên tuyến đường ĐT 645 nối liền đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên, Sông Hinh còn có thuận lợi là đã xây dựng được mạng lưới giao thông thông suốt trên địa bàn toàn huyện. Hiện tại chỉ còn một tuyến đường từ xã Ea Trol đi xã Sông Hinh là đường đất, song tuyến đường này đang được Nhà nước đầu tư xây dựng mới. Đây là điều kiện thuận lợi để vận chuyển, trao đổi hàng hóa, các loại nông sản vốn là thế mạnh của huyện Sông Hinh. Cùng với việc nâng cấp hệ thống giao thông, mạng lưới điện quốc gia, hệ thống nước sạch sinh hoạt cũng đã mở rộng đến các thôn, buôn. Đến nay 100% thôn, buôn ở huyện Sông Hinh đều đã có điện. Những giếng nước sạch, những công trình cấp nước sạch đã hiện diện nhiều nơi trong các buôn làng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và đảm bảo sức khỏe cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Địa hình cao với những con sông lớn quanh năm không bao giờ cạn, đã tạo cho vùng cao này một tiềm năng hơn hẳn các huyện miền núi khác ở Phú Yên. Ngoài nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã đi vào hoạt động; công trình thủy điện Sông Ba Hạ cũng sắp sửa hoàn thành; công trình thủy điện Sông Năng cũng đang gấp rút thi công sẽ mở ra những cảnh quan nhân tạo nhưng đậm nét hoang sơ hùng vĩ ở vùng đất phía tây Phú Yên này. Sự ra đời của các nhà máy thủy điện với các hồ chứa nước nhân tạo giữa núi rừng, giữa các buôn làng đã tạo cho Sông Hinh một tiềm năng mới, tiềm năng du lịch. Hồ thủy điện Sông Hinh với diện tích 4.100 ha mặt nước, 250 ha các đảo lớn nhỏ cùng hệ thống sông, suối, cây rừng và nhiều buôn, làng bao bọc xung quanh đã tạo ra một tiềm năng về du lịch sinh thái rừng- hồ kết hợp với tìm hiểu văn hóa các dân tộc, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa.

 

Với hệ thống giao thông thuận lợi và nguồn tài nguyên đất đai phong phú, thích hợp cho nhiều loại hình canh tác nông nghiệp, lại nằm giữa vùng tam giác thủy điện Sông Hinh- Sông Ba Hạ- Sông Năng. Tất cả những điều đó đã và đang đánh thức tiềm năng kinh tế đa dạng cho vùng đất này.

 

NGỌC CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek