Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh (bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản - PRRS) đang bùng phát ở các tỉnh lân cận, các ngành chức năng của Phú Yên đã nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này, đồng thời cũng đưa việc phòng, chống các loại dịch bệnh gia súc khác đi vào quy củ.
Lực lượng chức năng bắt giữ 13 con heo vận chuyển trái phép tại phường Phú Lâm vào 11/10 - Ảnh: L.K |
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà, đoạn thuộc khu vực đèo Cả. Cùng với Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn, chốt kiểm dịch này là điểm thứ 2 ngăn chặn dịch bệnh gia súc từ phía Nam của tỉnh.
Anh Cao Văn Thuận, kiểm dịch viên Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn, cho biết: Từ khi xảy ra dịch heo tai xanh tại Khánh Hòa, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, nên nhiều chủ phương tiện di chuyển động vật theo tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà. Theo anh Thuận, vì có sự phối hợp giữa các lực lượng như Thú y, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông nên việc ngăn chặn vận chuyển gia súc không có giấy kiểm dịch động vật qua trạm rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc các chủ xe khách vận chuyển thịt heo được đóng thùng đông lạnh là rất khó kiểm soát vì nếu chặn xe khách để kiểm tra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hành khách. Vì vậy cán bộ trạm không thể tiến hành kiểm tra liên tục được. Để ngăn chặn hiện tượng này, lực lượng chức năng chủ yếu đón đầu những xe thường xuyên vận chuyển và đi vào những múi giờ tránh lực lượng kiểm tra.
Từ đầu năm đến nay, đội kiểm tra liên ngành đã phát hiện bắt và xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác thú y. Trong đó, huyện Đông Hòa xử lý 2 con heo nhập về địa phương không có giấy kiểm dịch nơi động vật xuất phát, TP Tuy Hòa xử lý 10 trường hợp bán thịt heo không có giấy KSGM của thú y và 19 con heo không có giấy kiểm dịch. Huyện Tây Hòa xử lý 14 trường hợp vận chuyển động vật trái phép và 137 heo con không có giấy kiểm dịch. Huyện Sông Hinh xử lý 7 trường hợp, huyện Đồng Xuân 5 và Sơn Hòa 1. Riêng chốt kiểm dịch động vật tạm thời cầu Bình Phú, Sông Cầu đã phát hiện 8 trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch nơi xuất phát, đồng thời tiến hành tiêu hủy 71 con heo, 4.100 con vịt và 350 kg thịt heo không rõ nguồn gốc. XUÂN HUY
Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên Đỗ Thị Đậu, cho biết: Năm 2006 khi phát hiện gia súc vận chuyển không có giấy kiểm dịch động vật hợp lệ thì yêu cầu quay trở lại nơi xuất phát để kiểm tra dịch bệnh, làm thủ tục vận chuyển. Còn năm nay, quy định phòng, chống dịch xiết chặt hơn. Nếu lực lượng chức năng phát hiện gia súc vận chuyển không có giấy kiểm dịch động vật hợp lệ là ngay lập tức bị tiêu huỷ và chủ hàng phải chịu xử lý hành chính khi không có giấy tờ hợp lệ. Trưởng Trạm Thú y huyện Sơn Hòa Hoàng Trọng Tùng thì bảo: Trước đây, việc làm thủ tục khá phiền hà. Lái buôn ở miền núi phải làm thủ tục xuất gia súc ra khỏi huyện tại Trạm, sau đó lại làm thủ tục xuất tỉnh tại Chi cục Thú y rồi phải quay lại cùng cán bộ thú y đưa gia súc lên xe, tiêu độc sát trùng nên ít người thực hiện đầy đủ giấy tờ pháp lý. Nhiều trường hợp làm giả giấy tớ, xáo trộn giữa gia súc đã và chưa kiểm dịch.
Để khắc phục nhược điểm này, ngày 13/6/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định bấm số tai đối với gia súc đã được kiểm dịch. Phú Yên thực hiện quyết định này từ ngày 1/8/2007. Nhờ đó, người mua bán gia súc làm thủ tục nhanh gọn hơn. Theo bà Đậu, hiện nay người đăng ký kiểm dịch động vật phải bỏ tiền mua vắc xin lở mồm long móng để tiêm cho gia súc, sau khi tiêm 15 ngày sẽ được xuất đi tỉnh ngoài. Yêu cầu này dần đưa việc phòng, chống dịch bệnh gia súc vào trong ngành nghề chăn nuôi của người dân.
LY KHA