Thứ Bảy, 26/10/2024 17:28 CH
Sông Hinh: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đặc biệt khó khăn
Thứ Năm, 18/05/2017 11:00 SA

Huyện Sông Hinh có 20 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 46% dân số toàn huyện. 5 năm qua, nỗ lực của người dân và chính quyền các cấp đã giúp tỉ lệ hộ nghèo ở đây giảm từ trên 50% xuống còn gần 26%.

 

Được đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, vùng khó khăn của huyện Sông Hinh đã từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Đổi thay ở thôn, buôn

 

Già làng Oi Hoan ở buôn Chao, xã Ea Bá chỉ tay vào cánh đồng lúa trĩu bông hồ hởi nói: Năm đầu tiên nhà già làm lúa lai, thu hoạch được 20 bao đầy; không như những năm trước, lúa thường chỉ đạt 10-15 bao. Cũng giống như nhà già, các nhà trong buôn vụ này phấn khởi lắm, chẳng lo cái đói giáp hạt mà còn dư lúa bán. Điều này có được là nhờ chính quyền đã đưa cây lúa lai về cho dân trồng, rồi làm đập dẫn nước về tưới cho lúa.

 

Theo UBND xã Ea Bá, mô hình lúa lai cho năng suất cao hơn lúa thường từ 10-20 tạ/ha. Đồng thời, công tác thủy lợi tại buôn Ken và buôn Chao của xã cũng được quan tâm đầu tư. 2 đập dâng dẫn nước phục vụ sản xuất lúa nước hai vụ được xây dựng, 8/9,2km kênh mương nội đồng kiên cố hóa. Nhờ đó năng suất lúa đạt cao, bà con thấy được kỹ thuật sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế nên đã đồng thuận làm theo.

 

Nhớ lại những khó khăn trên quê hương mình những năm trước, Ma Thanh ở xã Sông Hinh, chia sẻ: Tôi sinh sống ở đây hơn 70 năm nay. Ngày trước, đời sống của đồng bào xã Sông Hinh khó khăn lắm. Nước không phải lúc nào cũng có sẵn. Mùa hạn, nhà nào cũng phải đi lấy nước suối ở xa và tiết kiệm từng giọt mới mong tạm đủ dùng. Đường đi cũng chủ yếu là đường đất, lầy lội, lởm chởm đá. Giờ thì khác rồi, cuộc sống đổi thay như một giấc mơ. Đường từ huyện tới xã, từ xã tới các thôn, buôn được kiên cố hóa. Đường nội đồng và các tuyến kênh mương cũng được bê tông chắc chắn. Đặc biệt, từ khi có trạm cấp nước, đường ống kéo về tận nhà nên các hộ dân trong xã lúc nào cũng có nước sạch dùng.

 

Theo Niê Y Loan ở buôn Mùi, xã Ea Trol, vài năm trước trong buôn còn khổ lắm, các hộ nghèo gặp cảnh đói giáp hạt thường xuyên. Được Nhà nước hỗ trợ heo, bò và cả giống cây trồng nữa nên không còn lo đói, chỉ quan tâm làm sao trồng cho tốt, nuôi cho nhiều để bán có tiền tích lũy.

 

Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Sông Hinh là huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của huyện lại càng nghèo hơn. 5 năm trước, địa phương bắt tay vào giảm nghèo cho vùng này với rất nhiều khó khăn, như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân trí thấp… Nhưng nhờ người dân đồng lòng, chính quyền các cấp nỗ lực, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã thực sự thay đổi. Đến nay, tại 8 thôn, 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện đều có điện lưới quốc gia, có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh... Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm, tăng 4,4 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn 25,86% và không có hộ đói giáp hạt…

 

Nhờ được quan tâm

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm, cho biết: 5 năm qua, xã được đầu tư 11 công trình hạ tầng cơ sở với tổng vốn hơn 4,6 tỉ đồng từ nguồn vốn nông thôn mới, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình 135… Nhờ đó, các buôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng, có nước sinh hoạt, đường được bê tông hóa, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất…

 

Trong phát triển sản xuất, địa phương hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, hộ nghèo, hộ cận nghèo thường thiếu tư liệu sản xuất nên địa phương hỗ trợ giống lúa lai, sắn, bò lai sinh sản, heo… để các hộ có cơ hội vươn lên. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích hộ khá mạnh dạn trồng các loại cây mới chưa đại trà như lúa thảo dược, chanh dây, chăn nuôi những con vật có giá trị kinh tế cao như rùa, nai, nhím…

 

Ông Đặng Đình Toại cho biết thêm: Hàng năm, nguồn vốn của Trung ương cấp về địa phương theo các chương trình như: Định canh định cư, nước sạch nông thôn, hỗ trợ huyện nghèo 30a… Nếu sử dụng vốn dàn trải thì hiệu quả với vùng đặc biệt khó khăn thấp, do kinh phí đầu tư lớn hơn nhiều so với nguồn vốn được hỗ trợ. Điển hình, định mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn là 1 tỉ đồng/năm và 200 triệu đồng/năm cho thôn, buôn. 1 tỉ đồng không đủ để xây dựng một công trình nước sạch phục vụ cho người dân trong xã. Để khắc phục tình trạng này, huyện Sông Hinh đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn theo hướng ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn.

 

Mặc dù hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao song so với 3 huyện miền núi của tỉnh, huyện Sông Hinh vẫn là địa phương đạt được tỉ lệ giảm nghèo thấp dần theo các năm. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ và sự đồng lòng của người dân.

 

Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek