Thứ Hai, 28/10/2024 01:22 SA
Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thứ Hai, 24/04/2017 07:45 SA

Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được toàn xã hội quan tâm. Tại hội thảo Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, nhiều đại biểu là nhà sản xuất, kinh doanh đã bày tỏ quan điểm của mình đối với việc bảo vệ người tiêu dùng. Báo Phú Yên đã ghi lại những ý kiến này.

 

 

ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH: Cầu thị, lắng nghe và ứng xử nhân văn với người tiêu dùng

 

Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua hàng hóa nên cần được sử dụng những sản phẩm có chất lượng, cũng như được bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và bảo quản hàng hóa, rất khó tránh khỏi những sơ suất, tác động khách quan khiến sản phẩm bị hư hỏng, lỗi. Khi gặp sự cố, một số doanh nghiệp luôn tìm cách chối bỏ trách nhiệm, thậm chí tố ngược, làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Hiện nay là thời đại của thông tin toàn cầu, nên khi thông tin không tốt bị lan truyền sẽ gây ảnh hưởng rất rộng lớn, lâu dài. Các doanh nghiệp dù cố gắng lấp liếm, che giấu đến đâu cũng không tránh khỏi bị mất lòng tin, thậm chí là bị người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay. Do vậy, các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải biết lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi của người tiêu dùng và tiếp thu để hoàn chỉnh; giải quyết vấn đề một cách nhân văn, thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

 

ÔNG PHẠM HOÀNG HƯNG, GIÁM ĐỐC SIÊU THỊ CO.OPMART TUY HÒA: Trực tiếp giám sát, tham gia vào quy trình sản xuất của nhà cung cấp

 

Để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, hệ thống siêu thị Co.opMart luôn ưu tiên lựa chọn hàng hóa của các do­anh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Riêng các mặt hàng rau củ quả, trái cây, đơn vị ưu tiên chọn sản phẩm của các HTX có chứng nhận an toàn, VietGap, Global Gap… Ngoài ra, trong quá trình hợp tác, Co.opMart còn trực tiếp kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tư vấn, nhắc nhở nhà cung cấp cải tiến quy trình sản xuất, chế biến, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và ổn định. Co.opMart Tuy Hòa kiên quyết ngừng hợp tác với những đơn vị không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các quy định khác về sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa sản xuất trong nước; hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp, nhà sản xuất làm ăn chân chính nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đối với những sản phẩm lỗi đã đến tay người tiêu dùng, đơn vị sẽ công bố thông tin rộng rãi, thu hồi sản phẩm và có chính sách đền bù thỏa đáng nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

 

 

ÔNG NGUYỄN THÀNH TÂM, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH TỈNH: Xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc sản Phú Yên

 

Phú Yên có rất nhiều đặc sản được nhiều người biết đến như cá ngừ đại dương, mắt cá ngừ, bò khô một nắng, hải sản, bánh tráng Hòa Đa, cà phê, rượu Quán Đế… Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng nhiều cơ sở làm ăn kiểu “chụp giựt” như làm hàng nhái, hàng kém chất lượng; cạnh tranh bằng cách bán với giá vô tội vạ trong những ngày lễ tết, “chặt chém” tại các điểm du lịch… khiến một số thương hiệu đặc sản đang dần bị mất tiếng. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính thì khó cạnh tranh do giữ chất lượng đi kèm với giá cao. Do vậy, để phát triển thương hiệu đặc sản Phú Yên cũng như phát triển du lịch tỉnh nhà, bản thân người sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản phải nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ du khách, tôn trọng người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần bảo trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc sản Phú Yên và có đăng ký nhãn hiệu. Nếu làm được điều này, du khách sẽ biết đến Phú Yên nhiều hơn.

 

 

ÔNG HUỲNH VĂN CỬU, GIÁM ĐỐC DNTN HUỲNH QUỲNH ANH: Tăng cường liên kết, phối hợp “3 nhà”

 

Hiện nay, trên địa bàn các huyện nông thôn, miền núi, đặc biệt là các chợ bán lẻ truyền thống, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn khá phổ biến. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà chưa quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng nên vẫn sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng. Trong khi đó, việc kiểm soát của các cơ quan chức năng còn hạn chế, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại hàng ngày, hàng giờ nhưng chưa được bảo vệ đúng mức. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì rất cần sự phối hợp của “3 nhà”: doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước - người tiêu dùng.

 

Cụ thể, doanh nghiệp cần thực hiện phương châm “khách hàng là thượng đế” với những hoạt động thiết thực như chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, coi trọng công tác hậu mãi, bảo hành sản phẩm, có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; được cung cấp thông tin, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường; có quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền khởi kiện... và có trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hóa, giá cả và các hành vi lừa dối khác… Các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội.

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek